Theo hãng tin AFP có trụ sở tại Pháp, tốc độ của Chris Froome tại chặng 10 Tour de France 2015 là ngoài sức tưởng tượng. Nhiều người cho rằng cua-rơ của đội Sky không thể tự tạo ra điều thần kỳ đó, mà anh phải nhờ vào sự trợ giúp của một lực tác động từ bên ngoài.
Cựu cua-rơ Cedric Vasseur từng thốt lên khi chứng kiến Froome băng băng tiến về phía trước: “Trông chiếc xe (của Froome) cứ như đang tự chạy”. Những nghi ngờ cũng tăng dần theo đó. Họ nghi tay đua người Anh gốc Kenya lắp đặt động cơ ẩn trong chiếc xe đạp của mình, và gọi đó là “doping công nghệ”.
Chris Froome về nhất tại chặng 10 Tour de France, hơn 1 phút so với người về thứ 2. Ảnh: Velonews. |
Brian Cookson, Chủ tịch Hiệp hội xe đạp quốc tế (UCI) khẳng định tổ chức của ông đang thử nghiệm công nghệ mới một cách nghiêm túc. Cookson chia sẻ trên AFP: “Chúng tôi đang thử nghiệm gắn động cơ vào xe đạp. Chúng tôi biết làm điều này sẽ bị mọi người dè bỉu và chế nhạo. Nhưng chúng tôi chỉ làm điều đó trong phóng thí nghiệm”.
“Hiện chúng tôi chưa tìm thấy bằng chứng những chiếc xe đạp có gắn động cơ được sử dụng trong các cuộc thi. Giống các bạn, chúng tôi sẽ rất thất vọng nếu phát hiện cua-rơ nào đó cố tình gian lận nhằm đạt mục đích của họ”, người đứng đầu UCI cho biết thêm.
Theo Cookson, sự gian dối trong thi đấu không chỉ gây ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, mà còn làm giảm danh tiếng của đội cũng như thể thao nói chung. Chủ tịch của UCI cũng khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ các tay đua ở các chặng Milan - San Remo, Giro [d’Italia] và Paris – Nice. Song song với đó, UCI sẽ xem xét lại toàn bộ chặng đua của mùa giải.
Chris Froome không phải là tay đua đầu tiên bị nghi gắn động cơ vào chiếc xe của mình. Năm 2010, tay đua người Thụy Sỹ Fabian Cancellara cũng bị cáo buộc gian lận tương tự tại giải Tour of Flanders được tổ chức tại Bỉ.