Cửa hàng vàng nhỏ chuyển hướng
Từ hôm qua (9/1), một ngày trước khi quy định mới về kinh doanh vàng miếng có hiệu lực, nhiều tiệm vàng nhỏ lẻ từ chối mua lại vàng miếng do mình bán ra.
Hôm nay, ngày 10/1, Nghị định 24 và Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng có hiệu lực. Nếu áp dụng quy định này, chỉ có các doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng mới được tiếp tục kinh doanh.
Chị Thanh Nga (Định Công, Hoàng Mai) hôm qua đem vàng miếng thương hiệu AAA đi bán tại chính cửa hàng mình mua trên phố Định Công nhưng chủ tiệm từ chối với lý do mua vào không bán được.
Mất công đi nhiều cửa hàng vàng trên phố nhưng chị Nga đều nhận cái lắc đầu từ những tiệm vàng. May mắn có tiệm vàng trên phố Hàng Bạc nhận mua vàng miếng của chị nhưng giá chỉ 38 triệu đồng/lượng (trong khi giá niêm yết hiện tại là 44,7 triệu đồng/lượng).
Chị Nga cho biết: “Tích góp mua được mấy cây vàng đến khi có việc cần dùng đem vàng đến cửa hàng mình mua thì họ không mua lại, còn đem đi chỗ khác thì bị ép giá. Điều này khiến cho những khách hàng như chúng tôi quá thiệt thòi”.
Theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều tiệm vàng nhỏ lẻ trên phố Hàng Bạc đã không bày bán vàng miếng. Khi phóng viên ngỏ ý muốn bán vàng miếng thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long thì chủ cửa hàng ra giá 39 triệu đồng/lượng và tỏ ra không có thiện chí mua.
Nhiều tiệm vàng nhỏ lẻ ngừng mua vào vàng miếng do chính mình bán ra. |
Tình trạng giao dịch vàng miếng ở nhiều cửa hàng vàng hầu như chấm dứt hoàn toàn trước ngày cấm.
Đứng trước hai bàn kính to đựng vàng khang trang tại cửa hàng vàng Bắc Á số 110 Tuệ Tĩnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh N.P chủ tiệm vàng không giấu được sự lo lắng khi không được phép buôn bán vàng miếng từ ngày 10/1.
Anh P chia sẻ: “Trước đây, tiệm tôi buôn bán một ngày cũng lên đến vài chục cây vàng miếng của SJC. Vì là tiệm vàng nhỏ lẻ nên chúng tôi nhập cả những miếng vàng loại 1 chỉ, 2 chỉ và bán rất chạy. Tiệm tôi kinh doanh cả vàng trang sức nhưng nguồn thu chủ yếu vẫn từ vàng miếng. Bây giờ bị cấm như bị chặn đường sống”.
Hiện cửa hàng anh P còn 6 miếng vàng loại 1 cây, 6 miếng loại 1 chỉ và 4 miếng loại 2 chỉ hiệu SJC. Anh P cho biết: “Tôi ngừng mua vào vàng miếng cách đây một tháng bởi tình hình buôn bán ảm đạm và chỉ mong bán hết số vàng miếng còn lại trong cửa hàng đi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về số vàng người dân mang lại cửa hàng bán, mà người chịu trách nhiệm chính phải là doanh nghiệp sản xuất ra vàng miếng đó”.
Theo anh P dù người dân chấp nhận chịu thiệt khi bị ép giá bán vàng miếng thì cửa hàng anh cũng không dám mua, vì mua vàng miếng sản xuất vàng nữ trang không lãi nhiều so với vàng nguyên liệu thô sơ mua trôi nổi ngoài thị trường.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.Hồ Chí Minh (SIA), cho biết, để người dân không bị ép giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở được cấp phép tiếp tục kinh doanh vàng miếng phải cam kết mua bán vàng miếng đúng giá. “Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về hình thức và mức độ chế tài thế nào đối với những trường hợp mua ép giá” - ông Dưng nói.
Sẽ không sốt giá
Trao đổi với phóng viên, ngày 9/1, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối, NHNN, ông Nguyễn Quang Huy nhận định, thị trường vàng sẽ không có gì đột biến về giá và lực cầu do thị trường vàng trong nước thời gian vừa rồi trầm lắng.
Theo ông Huy, có một số ý kiến cho rằng, quy định này sẽ khiến 6.000 điểm kinh doanh vàng phải đóng cửa nhưng thực tế họ có đóng cửa đâu. Họ chuyển sang kinh doanh vàng trang sức như bình thường. Về khía cạnh cá nhân, giả sử mình có đi mua vàng miếng với giá mấy chục triệu/lượng thì cũng phải đến những điểm có uy tín, được cấp phép chứ không mua bừa.
"Tôi cho rằng, không có vấn đề gì lớn nhưng vẫn theo dõi sát diễn biến để có phát sinh vấn đề gì là phối hợp xử lý ngay. Phải để mạng lưới kinh doanh vàng miếng vận hành một vài ngày xem thế nào. Bước sau đó, NHNN sẽ tham gia vào thị trường với tư cách người mua bán cuối cùng, người kiến tạo thị trường, đảm bảo sự lưu thông. Chúng tôi đã kiểm tra trên hệ thống và thấy một số doanh nghiệp “lách” quy định bằng cách đóng gói nhẫn tròn để bán, nhưng việc này không nhiều”- ông Huy nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện có 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng, với tổng cộng trên 2.400 điểm giao dịch trên cả nước đủ tiêu chuẩn được cấp phép mới và được phép kinh doanh vàng miếng kể từ ngày hôm nay.
Trong đó TP.HCM có 900 điểm và Hà Nội khoảng 400 điểm. Theo ông Minh, sau ngày 10/1, NHNN sẽ phải gửi văn bản thông báo đến Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành phố, chi nhánh NHNN các địa phương để cùng phối hợp đề phòng các sự cố phát sinh.
“Với các đơn vị xin cấp phép đợt 2 đang phải chờ xác nhận số tiền nộp thuế trong năm 2012 mới được cấp phép, vì về cơ bản họ đủ điều kiện kinh doanh theo Nghị định. Đợt 2 có 4 ngân hàng và 3 doanh nghiệp đang gủi hồ sơ. Dự kiến chúng tôi sẽ cấp phép sau Tết Nguyên đán và trong thời gian chờ cấp phép các đơn vị này đang kinh doanh vàng miếng phải tạm thời dừng kinh doanh để chờ giấy phép mới”- ông Minh nói.
Mua bán vàng không đúng chỗ: Phạt 50-100 triệu đồng Theo ông Nguyễn Hoàng Minh- Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, từ ngày hôm nay, nếu cửa hàng nào không có giấy phép kinh doanh vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng theo quy định trong Nghị định 95 ban hành năm 2011 của Chính phủ về xử phạt hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng với quy định của pháp luật. |
Theo Tiền phong