Đã gần 1 tháng kể từ ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Người dân được khuyến cáo ở nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết như mua nhu yếu phẩm, thuốc men.
Tuy nhiên, để đảm bảo người dân vẫn được cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đội ngũ nhân viên các cửa hàng thực phẩm tươi sống vẫn đều đặn làm việc hết công suất mỗi ngày. Trong thời giãn cách, bài toán tìm kiếm nguồn cung ứng thông suốt, duy trì đội ngũ nhân sự và và đảm bảo chất lượng hàng hóa đang được các cửa hàng chủ động tìm cách tháo gỡ.
Linh hoạt tìm nhà cung ứng
Những ngày bình thường, Khải San Food vận hành trơn tru sau nhiều năm xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Chuỗi cửa hàng này có 5-6 nhà cung cấp rau sạch từ các nông trại Đắk Lắk, Đà Lạt, tổ chức xe chở hàng đến và đóng gói tại TP.HCM, hàng hóa giao trong ngày. Thịt cá, trái cây nhập từ cả trong và ngoài nước, nguồn hàng mới mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các phương tiện lưu thông trên đường phố đều bị siết chặt, đặc biệt là xe chở hàng hóa liên tỉnh. Thực trạng này đã tạo nên khó khăn chung cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm khi hàng hóa chuyên chở từ nhiều tỉnh thành bị chậm trễ.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ đi chợ online để hạn chế ra đường. |
Chị Hoàng Giang, người vận hành marketing của Khải San Food, chia sẻ: “Nguồn cung ứng đến cửa hàng trễ hơn mọi khi. Ví dụ trước đây, hàng hóa sẽ có mặt từ sáng sớm 6-7h, thì hiện tại có khi 11-12h trưa mới giao. Nhưng hàng hóa vẫn đảm bảo có trong ngày, đơn vị cung cấp cũng chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh, tài xế bắt buộc có giấy xét nghiệm mới được lưu thông trên đường”.
Chị Giang cho biết khi các tỉnh miền Nam tiến hành giãn cách xã hội, nhiều nhà cung cấp “ruột” chịu ảnh hưởng, có nơi không thể đảm bảo nguồn cung ứng như ban đầu cam kết. “Nhưng cửa hàng có nguồn data lớn nhà cung cấp. Chúng tôi vẫn kịp thời liên hệ với các nhà bán khác để xoay xở đủ số lượng thực phẩm theo yêu cầu, nhờ vậy, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy”, chị Giang chia sẻ.
Nhân viên Khải San Food đi chợ giúp khách trước khi tài xế Grab đến giao nhận. |
Chủ động phương tiện lưu thông liên tỉnh
Thời gian đầu áp dụng quy định giãn cách, bên cạnh bài toán lưu thông hàng hóa, ban lãnh đạo cửa hàng 3Sạch Food lại trăn trở bà con nông dân sẽ xử lý như thế nào với nguồn hàng đã sản xuất, trồng trọt trước đó. Cửa hàng nảy ra giải pháp thành lập một nhóm cơ động, tận dụng 2 chiếc xe bán tải sẵn có để tìm đến và liên kết hộ nông dân các tỉnh miền Tây, Đồng Nai, Bình Phước, tìm đầu ra cho nguồn nông sản ứ đọng tại đây.
Chị Ngọc Huyền - quản lý ecommerce (thương mại điện tử) chuỗi cửa hàng 3Sạch Food - cho hay: “Nhận thấy nguồn hàng hóa gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, trong khi nông sản của bà con nông dân các tỉnh lại tồn đọng, chúng tôi đã cho 2 chiếc xe bán tải lên đường cứu trợ. Phần lớn nguồn hàng này sẽ được gửi đến các bếp ăn từ thiện, số còn dư tiến hành sơ chế, bồi dưỡng cho nhân viên. Chỉ những mặt hàng nào vẫn giữ được chất lượng tốt mới đem lên kệ phân phối tới khách hàng”.
Đảm bảo chất lượng thực phẩm
Trong khi đó, câu chuyện của chuỗi cửa hàng rau sạch hữu cơ Bio Ngon lại là minh chứng cho thấy năng lực cung ứng hàng hóa và nắm bắt cơ hội thị trường. Phát triển theo mô hình trồng rau hữu cơ tại nông trại Long An, Bio Ngon cung ứng ra thị trường các loại rau ăn lá có hạn sử dụng trong ngày.
Rau hữu cơ là loại “sáng nhập về, chiều đổ bỏ” vì để qua ngày sẽ giảm sút chất lượng. Tuy nhiên, cửa hàng vẫn chấp nhận vì nhìn thấy triển vọng khởi sắc của ngành rau tại TP.HCM. Người tiêu dùng hiện đại sẵn sàng bỏ ra chi phí cao cho thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng hóa chất và đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trang trại phân phối rau hữu cơ cho Bio Ngon. |
Chị Ngọc Bích phụ trách marketing của cửa hàng chia sẻ: “Trước khi dịch bùng phát, chúng tôi đã triển khai kế hoạch tăng sản lượng trong trường hợp chuỗi cửa hàng phát triển thành công, sẵn sàng với tình huống ‘sáng là rau, chiều là rác’. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà nguồn cung ứng dự phòng của cửa hàng mới dồi dào, bước vào thời điểm giãn cách này lại có thể phân phối kịp thời và đầy đủ đến người tiêu dùng”.
Bảo đảm bộ máy hoạt động vận hành
Đóng vai trò là cửa hàng thực phẩm thiết yếu, từ khi có lệnh giãn cách xã hội, chuỗi 3Sạch Food nhanh chóng tổ chức cho đội ngũ nhân viên bán hàng làm việc với phương châm “3 tại chỗ” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ban lãnh đạo đã hỗ trợ toàn bộ nhân viên ở lại các cửa hàng, bố trí chỗ ăn chỗ ngủ để đảm bảo mở cửa tối đa phục vụ khách. Các nhân viên văn phòng, hành chính cũng được điều động xuống cửa hàng để “chia lửa” hỗ trợ khách hàng trong thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao.
Thực phẩm tươi sống được 3Sạch Food cung ứng liên tục ra thị trường. |
Còn đối với thương hiệu Bio Ngon, cửa hàng này ban đầu chỉ có một cửa hàng chính ở quận 3. Nhưng vì nhu cầu lưu trữ hàng hóa tăng cao, doanh nghiệp đã triển khai mở kho chứa tại quận 7, đồng thời tiến hành tuyển dụng và tập huấn cho nhóm nhân sự mới.
Với 2 kho hoạt động song song, toàn bộ việc bán hàng qua website, hotline hay trên các nền tảng thương mại điện tử được phân phối nhịp nhàng. Đội ngũ nhân viên trực từ sáng sớm đến chiều tối cả tuần với cường độ cao.
Các sản phẩm rau, trái cây tươi Bio Ngon đảm bảo chất lượng thời giãn cách. |
Tận dụng sự hỗ trợ từ nền tảng đi chợ hộ
Trước giãn cách, để tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với sự hậu thuẫn của nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng, cả 3 chuỗi cửa hàng 3Sạch, Bio Ngon và Khải San Food đều mở gian hàng trên GrabMart - dịch vụ đi chợ hộ trên Grab. Đại diện Bio Ngon chia sẻ có giai đoạn doanh thu trên GrabMart cao gấp 10 lần so với các kênh online khác.
“Chúng tôi trở thành đối tác của GrabMart từ tháng 12/2020 vì dịch vụ này có hệ thống vận chuyển nhanh chóng, chuyên nghiệp. Có thời điểm gọi shipper rất khó vì đặc thù của cửa hàng là rau hữu cơ tươi sống, không phải nơi nào cũng đảm bảo chất lượng giao vận. Trong khi đó, các tài xế GrabMart được trang bị thùng giữ nhiệt, bảo quản rau đạt tiêu chuẩn. Khách hàng phản hồi là rau được tài xế giao tới khá nhanh, tươi sạch và mẫu mã đẹp”, chị Ngọc Bích - đại diện Bio Ngon - chia sẻ.
Trong thời kỳ giãn cách, chị Bích cho biết GrabMart đã kịp thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đối tác như tung ra ưu đãi miễn phí vận chuyển, đơn hàng 0 đồng hay chiến dịch đồng giá 7.000 đồng trong tháng 7.
“Chúng tôi còn được GrabMart hỗ trợ nhiều deal hấp dẫn, deal 0 đồng. Thương hiệu nhờ đó cũng được người dùng biết đến nhiều hơn. GrabMart vận hành trơn tru, linh hoạt, tỷ lệ hủy đơn thấp, khách hàng chốt đơn là hàng sẽ đi được và ít rủi ro. Không phải tự nhiên mà có những ngày cửa hàng nhận tới 400 đơn, nhân viên làm việc liên tục”, chị cho hay.
Khuyến khích người dùng chọn hình thức đi chợ hộ
Cũng hài lòng với chất lượng dịch vụ GrabMart, chị Ngọc Huyền của cửa hàng 3Sạch Food thậm chí còn nhiều lần tư vấn khách đặt hàng trên dịch vụ đi chợ hộ thay vì mua qua website hay hotline. Bởi với nhân lực có hạn, shipper của cửa hàng phải ghép 2-3 đơn mới bắt đầu giao đi, trong khi shipper Grab chỉ cần nhận một đơn là lên đường ngay.
Chị nói: “Dù cửa hàng hay siêu thị có lực lượng shipper mạnh đến cỡ nào, trong thời dịch căng thẳng cũng cần tối thiểu 2-3 tiếng mới giao đến tay khách hàng. Tôi biết nhiều siêu thị lớn còn phải tạm thời đóng dịch vụ bán hàng online, chỉ nhận khách mua trực tiếp. Còn trên GrabMart, khách chỉ cần khách đặt thành công là đơn hàng sẽ giao đi với thời gian dưới một tiếng”.
Người tiêu dùng được khuyến nghị đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi nhận hàng để phòng dịch. |
Một điểm cộng nữa trên dịch vụ GrabMart khiến chị Huyền hài lòng là chế độ cài đặt thông minh của hệ thống. Lẽ thường, cửa hàng không hạn chế nhận số lượng đơn. Nhưng trong thời kỳ giãn cách, Grab tự động giới hạn 5 đơn hàng đặt thành công trong một thời điểm. Khi vượt số lượng, cửa hàng trên GrabMart sẽ tự động tắt chế độ nhận thêm đơn để tránh tình trạng quá tải.
“Trong thời kỳ giãn cách, nguồn cung ứng ít nhiều sẽ có độ trễ, nhưng hàng hóa vẫn luôn đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. Nhiều khách hàng phàn nàn rằng buổi sáng lướt các dịch vụ đi chợ hộ thấy cửa hàng nào cũng đóng, nhưng có thể thời gian đó chúng tôi đang cập nhật hàng hóa, xử lý nội bộ. Thế nên, nếu quan tâm và tin tưởng thương hiệu, người tiêu dùng hãy chịu khó theo dõi liên tục để chờ đợi cửa hàng hoạt động online. Người dân không cần trữ hàng, vì chúng tôi luôn cố gắng phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng này”, chị Bích gửi lời nhắn nhủ đến các khách hàng.
Bình luận