Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump (phải) và ứng viên của đảng Dân chủ, Phó tổng thống Kamala Harris. Ảnh: New York Times. |
Sáng 28/10 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), các cử tri ở thủ đô Washington D.C đã bắt đầu đi bỏ phiếu sớm theo hình thức trực tiếp trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ năm 2024, trước khi cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức vào 5/11 tới.
Tổng cộng 25 điểm bỏ phiếu sớm ở thủ đô của “Xứ cờ hoa” đã đồng loạt mở cửa đón cử tri đến bỏ phiếu sớm trực tiếp từ 8h30 đến 19h00 hàng ngày, kéo dài từ 28/10 đến 3/11.
Trước đó, các cử tri của Washington D.C đã tiến hành bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện hoặc trực tiếp bỏ vào 55 thùng phiếu được bố trí rải rác trên khắp các địa bàn dân cư từ ngày 11/10 đến 5/11.
Tính đến ngày 27/10, đã có 86.424 lá phiếu được bỏ sớm theo các hình thức này. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, khoảng 346.500 lá phiếu đã được bỏ tại thủ đô Washington D.C.
Theo thống kê mới nhất của Election Lab thuộc Đại học Florida, tính đến 13h ngày 28/10, trên toàn nước Mỹ đã có tổng cộng 43.853.849 lá phiếu được bỏ sớm, trong đó có 21.521.385 lá phiếu được bỏ qua đường bưu điện và 22.360.658 lá phiếu được bỏ trực tiếp tại các điểm bầu cử.
Trong số các cử tri đi bỏ phiếu sớm có 39,8% tự nhận là đảng viên Dân chủ, 36% tự nhận là đảng viên Cộng hòa, 24,1% cử tri thuộc các đảng nhỏ hoặc độc lập.
Kết quả của những cuộc khảo sát gần đây do nhiều phương tiện truyền thông lớn của Mỹ và các tổ chức thăm dò dư luận thực hiện cho thấy tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân chủ - Phó Tổng thống Kamala Harris - trên phạm vi toàn quốc nhỉnh hơn ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, từ 2-3 điểm phần trăm.
Nhưng tại 7 bang dao động quan trọng thực sự quyết định kết quả, cả hai ứng cử viên vẫn trong thế “bất phân thắng bại” và kết quả cuối cùng được dự báo sẽ rất sít sao.