Trước thực trạng ùn tắc giao thông và quá tải về hạ tầng xã hội, cử tri Hà Nội đề nghị thành phố không cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trong các quận nội thành. Đồng thời, có phương án giãn mật độ dân cư cho khu vực nội đô cũng như đầu tư phát triển hạ tầng ở các huyện ngoại thành.
Kiến nghị dừng xây cao ốc nội đô
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIV). Việc trả lời này thực hiện theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về trả lời kiến nghị của cử tri.
Đề cập về quy hoạch, quản lý đô thị, cử tri của nhiều các quận như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... tiếp tục đề nghị thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng quan tâm hơn đến việc triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông tại 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).
Theo cử tri khi thực hiện dự án công trình giao thông cần triển khai liên tục, không ngắt quãng để thuận lợi cho người dân đi lại. Đặc biệt, cử tri các quận này đề nghị thành phố dừng quy hoạch mở rộng đường cũng như xây dựng chung cư cao tầng trong khu vực này.
Theo lý giải của lãnh đạo Hà Nội, hiện nay việc xem xét và phê duyệt quy hoạch xây dựng các công trình chung cư cao tầng trong khu vực các quận nội thành tuân thủ theo các quy định như: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011; Quy hoạch phân khu đô thị do UBND thành phố phê duyệt, trong đó đảm bảo tuân thủ quy mô dân số, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được thành phố ban hành tháng 4/2016 (áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha thuộc địa giới hành chính của 05 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam quận Tây Hồ).
Theo Hà Nội, đối với trường họp dự án không đáp ứng được các quy định trên, thành phố không xem xét, phê duyệt quy hoạch xây dựng các nhà cao tầng. Việc xem xét, phê duyệt quy hoạch xây dựng các nhà cao tầng ở các quận nội thành phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình cáo tầng, chiều cao tối đa công trình trong khu vực nội đô lịch sử (gồm 07 khu vực theo Quy chế quản lý quy hoạch công trình cao tâng trong khu vực nội đô lịch sử-PV).
Ngoài ra trong quá trình xem xét chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, thành phố cũng yêu cầu các dự án phải đảm bảo bố trí đầy đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho dự án và khu vực xung quanh, tính toán đầy đủ các chỉ tiêu về đất giao thông đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, giảm thiểu tối đa khả năng ùn tắc giao thông khi dự án đi vào hoạt động.
Cử tri Hà Nội kiến nghị dừng xây nhà cao tầng ở khu nội đô . |
Tỷ lệ giãn dân nội đô còn thấp
Trả lời kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông hiện nay, lãnh đạo Hà Nội cho biết, ngày 2/8/2017, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã có báo cáo Thường trực Thành ủy về chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn (giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2030).
Theo đó, thành phố sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh đầu tư hệ thông kết cấu hạ tầng giao thông vận tải khung của Thủ đô Hà Nội, quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt; Đến năm 2021 cơ bản hình thành toàn bộ mạng lưới hạ tầng giao thông khung trong khu vực đô thị trung tâm.
Hà Nội cho rằng dù đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh (hoàn thành 35/35 đồ án quy hoạch phân khu, 32/33 đồ án Quy hoạch chung quận, huyện, thị xã...), tuy nhiên tỷ lệ giãn dân khu vực nội đô còn thấp.
Theo lãnh đạo Hà Nội, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo triển khai từng bước theo lộ trình, trước mắt là tập trung chỉ đạo thực hiện “Đề án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm”, di dời các hộ dân sang các phường Thượng Thanh, Sài Đồng, Ngọc Thụy, quận Long Biên…
Tuần qua, tại buổi làm việc với Hà Nội, nhiều ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ ngành đã đề cập về quy hoạch đô thị hiện nay của Hà Nội. Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong quá trình phát triển, Hà Nội có nhiều khu vực cần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Hùng những điều chỉnh này phải phù hợp với quy định của pháp luật. Theo Bộ này, chủ trương rút dần dân cư trong vùng lõi ra ngoại vi, giảm dân số khu vực trung tâm từ 1,2 triệu xuống còn 800.000 người là rất tốt, nhưng phải song hành với phát triển hạ tầng tại từng khu vực để đảm bảo các vấn đề dân sinh.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Đồ án quy hoạch Hà Nội hiện nay tích hợp rất tốt, nhưng đang có hiện tượng điều chỉnh cục bộ. Phó thủ tướng đề nghị thành phố Hà Nội tập trung rà soát quy hoạch tổng thể phát triển, quy hoạch chung phát triển Thủ đô.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành… Trong đó, phải gắn điều chỉnh quy hoạch với việc ứng phó với thách thức áp lực về gia tăng dân số: “Chúng ta phải kiên quyết không để gia tăng dân số ở nội đô. Chứ chúng ta rà soát quy hoạch lại tăng dân số nội đô lên thì không thành công”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đưa ra đề nghị phát triển đô thị phải bám theo quy hoạch đã được quy định. Bởi hiện nay còn khoảng trống trong vấn đề này, dẫn đến tình trạng phát triển tự phát. “Các doanh nghiệp thấy đất đẹp là xin, còn chúng ta đồng ý cho, chứ chưa căn cứ vào kế hoạch cũng như nhu cầu của người dân và khả năng cung ứng nguồn lực đầu tư”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.