Bốn năm trước, Maliha Javed, 24 tuổi, người nhập cư Pakistan sống ở bang Georgia, không chú ý đến chính trị, không bầu cử. Cô sinh viên này bận kiếm tiền mua sách vở.
Nhưng bốn năm qua đã thay đổi cô. Lệnh cấm nhập cảnh từ các nước đa số Hồi giáo hồi tháng 1/2017 của chính quyền Trump ảnh hưởng đến một số người bạn của cô. Chính sách chia tách con cái của người xin nhập cư gợi lại ký ức của cô khi mới chuyển đến Mỹ, là phải sống xa cha mẹ tận ba năm.
Mùa hè này, cô mang bầu một bé trai, và đó là yếu tố quyết định. “Tôi muốn con tôi lớn lên trong một đất nước tốt hơn”, Javed nói với New York Times. Cô bỏ phiếu lần đầu tiên trong đời cho ông Joe Biden.
Cô Javed là một phần của làn sóng mạnh mẽ nổi lên trong chính trị ở bang Georgia: cử tri người Mỹ gốc châu Á.
Bang Georgia vẫn sẽ là tâm điểm cho đến ngày 5/1 năm sau, với hai cuộc tranh cử thượng nghị sĩ sẽ quyết định thế đa số của Thượng viện. Ảnh: New York Times. |
Tỷ lệ cử tri gốc Á tăng mạnh
Javed sống ở hạt Gwinnett, hạt đông dân thứ hai của bang, và cũng là hạt có đông người Mỹ gốc Á nhất, nơi có thành phố Atlanta. Ông Biden thắng sát nút trên toàn bang Georgia, nhưng đã thắng ông Trump với cách biệt 18% ở hạt Gwinnett, hơn nhiều so với kết quả của bà Hillary Clinton bốn năm trước.
Hạt Gwinnett cũng là nơi duy nhất trên cả nước Mỹ mà một hạ nghị sĩ Dân chủ giành được ghế từ tay đảng Cộng hòa.
Một khảo sát trong số cử tri Mỹ gốc Á bỏ phiếu sớm cho thấy 41% bỏ phiếu lần đầu, theo giáo sư chính trị Taeku Lee của Đại học California - Berkeley.
Đây là xu hướng tích cực cho đảng Dân chủ vốn đang trông đợi các thay đổi về dân số sẽ đem lại chiến thắng ở hòm phiếu. Người gốc Á là nhóm cử tri đang gia tăng nhanh nhất trong số các nhóm sắc tộc lớn ở Mỹ, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Số cử tri gốc Á ở hạt Gwinnett và trên cả nước đã tăng hơn gấp đôi giữa các năm 2000 và 2020. Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ chiếm hơn một nửa, theo sau là Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhưng xu hướng chính trị của người Mỹ gốc Á là khó đoán. Nhiều người bầu cho ông Biden hơn, nhưng đảng Dân chủ không cầm chắc vị thế này trong tương lai, khi bộ phận lớn cử tri gốc Á có góc nhìn xã hội bảo thủ, thường theo đạo Cơ Đốc và sở hữu doanh nghiệp nhỏ.
Nhiều cử tri mới đã tham gia vào bầu cử tổng thống vì cuộc bầu cử này nổi bật trong thông tin đại chúng, và không có gì đảm bảo họ sẽ đi bầu cho cuộc bầu cử hai ghế thượng nghị sĩ quan trọng ở bang Georgia ngày 5/1 tới - cuộc bầu cử sẽ quyết định thế đa số ở Thượng viện.
Tính trên toàn quốc, cử tri người Mỹ gốc Á thiên về Dân chủ, nhưng có sự khác biệt về nguồn gốc và thế hệ. Chẳng hạn, khảo sát được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu về người Mỹ gốc Á, AAPI Data, cho thấy cử tri gốc Việt thiên về Cộng hòa, trong khi cử tri gốc Bangladesh lại không như vậy.
Các khảo sát cho thấy tỷ lệ phiếu của người Mỹ gốc Á tăng đáng kể vào kỳ bầu cử năm nay. Khoảng 2,5% cử tri Georgia là người gốc châu Á, so với 1,6% của năm 2016.
Trong số cử tri Mỹ gốc Việt có sự cách biệt lớn về thế hệ. Nhiều người gốc Việt thế hệ trước đến Mỹ sau chiến tranh, vì vậy họ ủng hộ Cộng hòa, trong khi người trẻ gốc Việt có xu hướng thiên Dân chủ.
“Nếu bạn đến một cuộc biểu tình ủng hộ Trump của người Việt, những người đó nói tiếng Anh khá kém, còn nếu đến một cuộc biểu tình ủng hộ Biden, họ lại nói tiếng Việt kém”, Cam Ashling, 40 tuổi, một nhà hoạt động phía đảng Dân chủ, nói với New York Times.
Nhà hoạt động Cam Ashling cho biết đang nỗ lực hết sức để giữ cho bang Georgia thuộc về đảng Dân chủ, nhưng không có gì chắc chắn. Ảnh: New York Times. |
Người gốc Việt ủng hộ ông Trump vì tin giả?
Năm nay, các cử tri trẻ gốc Việt cho biết có làn sóng tin giả nhắm đến cử tri cao tuổi gốc Việt, dưới dạng các video bằng tiếng Việt tôn sùng ông Trump, khiến tỷ lệ lớn người gốc Việt lớn tuổi ủng hộ Trump.
Nhà hoạt động Ashling nói việc chống lại lượng tin giả này là gần như không thể. Thay vào đó, cô muốn tập trung năng lượng những tuần tới để thuyết phục cử tri đi bỏ phiếu cho cuộc đua Thượng viện ở bang Georgia, theo New York Times.
Cộng đồng người Mỹ gốc Á ở bang Georgia khá đa dạng về điều kiện kinh tế. Một số người là bác sĩ, chuyên gia, nhưng nhiều người khác là chủ tiệm mỹ phẩm, tiệm giặt hay quán ăn.
James Woo, 35 tuổi, chuyển từ Seoul đến bang Mississippi cuối thập niên 1990. Anh nói người nhập cư Hàn Quốc có câu đùa là khi đến Mỹ, người đến sân bay đón bạn làm nghề gì thì sau này bạn cũng làm nghề đó - ý nói người nhập cư thường theo những ngành nghề nhất định giống bạn bè, họ hàng đi trước. Cha của anh được anh rể đón, sau này mở tiệm mỹ phẩm như anh rể.
Lớn lên là người Mỹ gốc Á, anh Woo cảm nhận được sự phân biệt. “Tôi không muốn điều đó cho con cái tôi”, anh nói với New York Times. “Tôi muốn con cái tôi cảm thấy thuộc về nơi này. Vì chúng tôi thuộc về đất nước này. Đây là nhà của chúng tôi”.
James Woo, người vận động cử tri đi bầu. Ảnh: New York Times. |
Anh nói cách để đạt được điều đó là bầu cho những ứng viên người Mỹ gốc Á ở bang Georgia. Giờ đây, anh Woo làm việc toàn thời gian là người vận động cho nhóm hoạt động Asian Americans Advancing Justice - Atlanta. Anh nói khoảng một nửa số cử tri mà anh đã làm việc trong mùa bầu cử này đã đi bỏ phiếu thật.
“Đối với tôi, không phải là chuyện bang (Georgia) chuyển thành xanh hay thuộc về đảng này, đảng kia”, anh nói. “Mà là việc thấy những người có câu chuyện giống như tôi được đắc cử”.
Trong nhiều năm, các ứng viên gốc Á đắc cử ở bang Georgia thường là phía đảng Cộng hòa, và họ thường vận động theo dạng huy động tiền từ cử tri gốc Á đã thành đạt, có điều kiện thay vì đăng ký những người nhập cư mới, tầng lớp lao động.
Trên toàn quốc, tỷ lệ đi bầu trong số người gốc Á vào loại thấp. Năm 2016, họ là nhóm có tỷ lệ đi bầu thấp thứ hai, sau nhóm thấp nhất là người Mỹ Latin.
“Tham gia chính trị luôn là thứ mơ hồ vì các cộng đồng này chưa phát triển tinh thần tham gia chính trị, trong khi thế hệ trẻ thì chưa sẵn sàng”, Baoky Vu, từng là thành viên ủy ban cố vấn Tổng thống George W. Bush về người gốc Á, nói với New York Times.
Ngày nay, người nhập cư gốc Á đã đạt số lượng đủ lớn, con cái họ đã học hành, đi làm ở Mỹ, đến tuổi 30, 40, và đang tham gia mạnh hơn vào chính trị, trông đợi các ứng viên đại diện cho mình.
Bước ngoặt cho cử tri gốc Á ở bang Georgia đến vào năm 2018 khi ứng viên thống đốc Stacey Abrams cử các nhân viên đi vận động, đăng ký bầu cử cho từng cộng đồng người gốc Á. Thăm dò sau này cho thấy 78% cử tri gốc Á bỏ phiếu cho bà trong cuộc tranh cử không thành năm 2018.
Nói rộng hơn, chính bà Abrams được giới quan sát “ghi công” vì đã thiết lập mạng lưới vận động người dân đi bầu, ở từng địa phương của bang, góp phần lớn giúp ông Biden lật ngược bang Georgia từ tay ông Trump.