Ngày 23/4, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng tiếp xúc cử tri các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ và Liên Chiểu.
Cử tri Nguyễn Quang Nga (nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng) đề cập vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy đang gây xôn xao dư luận.
"Người dân Đà Nẵng cảm thấy xấu hổ"
Cựu đại biểu HĐND TP Đà Nẵng phấn khởi vì các cơ quan tố tụng đã kịp thời khởi tố bị can Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) "ở phút 89".
"Vụ này đã khởi tố rồi thì cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm để răn đe", đại biểu Nga nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo ông Nga, dâm ô trẻ em là vấn đề đang gây nhức nhối trong xã hội. Những vụ nào phát hiện ra thì phải ngăn chặn, xử lý ngay.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri chia sẻ thêm, vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh từ khi xảy ra đến nay đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người dân Đà Nẵng. Thời gian qua, địa phương này từng gây xôn xao dư luận cả nước về việc hàng loạt cán bộ "nhúng chàm" đến mức bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam giờ lại thêm vụ cựu Viện phó VKSND dâm ô trẻ nhỏ.
“Người dân Đà Nẵng cảm thấy xấu hổ vì ở thành phố đáng sống lại có công dân như Nguyễn Hữu Linh. Chúng tôi mong chờ sự nghiêm minh của pháp luật”, ông Nga nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, cho biết việc khởi tố Nguyễn Hữu Linh là một quyết tâm rất lớn của Công an quận 4 (TP.HCM). Vụ việc kéo dài đến 20 ngày mới khởi tố vì cơ quan điều tra phải thận trọng, đánh giá chứng cứ.
Mặt khác, trong các quy định của luật cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể để xác định tội dâm ô trẻ em. Phó trưởng đại Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng tin tưởng các cơ quan tố tụng sẽ xử lý nghiêm vụ việc để đảm bảo tính răn đe.
"Chúng tôi đang sống nhờ, ở tạm trên đất của mình"
Ngoài ra, nhiều cử tri cũng phản ánh sau Tết Nguyên đán UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới. Quyết định tăng giá đất này có hiệu lực từ ngày 11/2 khiến 7.000 nghìn người dân nợ tiền đất tái định cư phải trả nợ cao gấp nhiều lần so với nợ gốc.
Cử tri Phạm Văn Năm nêu câu hỏi, dựa vào đâu để Đà Nẵng đưa ra Quyết định 06 và liệu thời điểm áp dụng quyết định này đã hợp lý? Theo ông Năm, nếu theo giá đất cũ, gia đình ông phải đóng tiền sử dụng đất khoảng 170 triệu đồng nhưng theo giá mới thì ông phải đóng hơn 900 triệu đồng.
Cư tri Nguyễn Quang Nga nêu ý kiến. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Đây là số tiền quá khủng khiếp, người dân không thể nào trả nổi. Chúng tôi thực sự đang ở nhờ, sống tạm trên chính mảnh đất của mình”, ông Năm nói và đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố giải thích về việc ban hành quyết định này và liệu thành phố có giải pháp gì để gỡ khó cho người dân.
Cử tri Hoàng Thị Mỹ Hạnh nêu thêm, việc áp dụng giá đất mới là quá đột ngột, thời điểm ký và ban hành Quyết định 06 đúng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên người dân không kịp trở tay.
“Theo giá cũ, đất gia đình tôi đang ở là 8,8 triệu đồng/m2 nhưng theo khung giá mới thì lên đến 28,8 triệu/m2, thật quá khủng khiếp”, bà Hạnh nói.
Trả lời khiến nghị của cử tri, bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng khẳng định việc ban hành Quyết định 06 là đúng quy trình. Bà Hoa nhìn nhận, thời điểm ban hành Quyết định 06 là “hơi cập rập” nên người dân trở tay không kịp. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng khẳng định giá đất này vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
“Vấn đề ở đây là khi triển khai thực tế đã có một số vướng mắc đối với những hộ giải tỏa bố trí đất tái định cư. Chúng tôi cũng nắm và Đoàn Đại biểu quốc hội, UBND thành phố đã có kiến nghị với Chính phủ”, bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng cho biết đã có văn bản đề nghị UBND thành phố cân nhắc xem có phương án nào để xử lý hay không.
“Vấn đề ở đây là thời điểm ký và áp dụng bảng giá mới trùng vào dịp giáp Tết và sau Tết. Thành phố cũng đã thấy nên chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho người dân”, ông Sơn nói.