Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời loạt kiến nghị cử tri của 12 địa phương về quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe cơ giới.
Theo đó, cử tri các tỉnh, thành này đều đề xuất bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm đối với xe mô tô, xe gắn máy; chuyển sang hình thức mua tự nguyện và cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm soát, đơn giản hóa việc chi trả bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.
Đơn cử, cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng quy định chủ phương tiện cơ giới phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc là không hợp lý và không cần thiết. "Vì khi xảy ra tai nạn, hầu như không có chi trả tiền bồi thường cho những người mua bảo hiểm do thủ tục phức tạp và số tiền bồi thường không đáng kể", cử tri dẫn thực trạng.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ ôtô, môtô, xe máy. Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore... có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Tại Việt Nam, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định đến nay là 34 năm, từ năm 1988.
Bảo hiểm xe máy được bày bán tại các vỉa hè. Ảnh: Phương Lâm. |
"Hiện nay, môtô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất cả nước. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2022 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn", Bộ Tài chính cho biết.
Theo số liệu thống kê bình quân từ 2017-2021 của các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ chi bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 19,81%.
Riêng về bảo hiểm bắt buộc xe máy năm 2021, số lượng xe được bảo hiểm là 12,4 triệu xe (giảm 3% so với năm 2019). Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm và dự phòng nghiệp vụ là 1.040 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm cả dự phòng nghiệp vụ là 11%.
"Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, quy định hiện nay vẫn giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do pháp luật có liên quan quy định xe cơ giới bao gồm cả ôtô, xe máy", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về kiến nghị đơn giản hóa thủ tục bồi thường khi xảy ra tai nạn, cơ quan này cho biết đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm tháng 8/2022.
MỨC TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM | ||
Loại xe | Thiệt hại về người | Thiệt hại về tài sản |
Mô tô 2 bánh và xe máy điện | 150 triệu đồng/người/vụ | 50 triệu đồng/vụ |
Ôtô không kinh doanh vận tải | 150 triệu đồng/người/vụ | 100 triệu đồng/vụ |
Đáng chú ý, Bộ bổ sung quy định giảm 15% phí bảo hiểm; tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%; thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng...
Về ý kiến điều chỉnh số tiền bồi thường tai nạn, cơ quan này cho biết do năm 2021, Nghị định của Chính phủ vừa tăng mức trách nhiệm bảo hiểm từ 100 triệu đồng/người/vụ lên 150 triệu đồng/người/vụ. Do đó, cần có thời gian đánh giá trong giai đoạn 4-5 năm tới.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp trong ngành, năm 2021, doanh thu của hoạt động bảo hiểm xe cơ giới vào khoảng 3.970 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ xe cơ giới là ôtô chiếm 2.893 tỷ và xe máy vào khoảng 1.016 tỷ đồng. Cũng trong năm này, số tiền bồi thường bảo hiểm của toàn bộ xe cơ giới vào khoảng 750 tỷ đồng, với 722 tỷ của ôtô và số chi trả bảo hiểm với chủ phương tiện xe máy là 27 tỷ đồng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...