Cuối tháng 11, Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) công bố danh sách các vận động viên dương tính với doping trong năm 2020. Cử tạ Việt Nam có 2 trường hợp của Nguyễn Thị Thu Trang (16 tuổi) và Bùi Đình Sáng (17 tuổi).
Cử tạ Việt Nam đang lo lắng khi chưa biết "số phận" để tham dự Olympic Tokyo khi trước đó, Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh nhận án cấm 4 năm vì doping năm 2019.
Trần Đình Sáng từng giành HCV cử giật trẻ vô địch thế giới 2019. Ảnh: IWF. |
Nguy cơ cấm dự Olympic Tokyo
Theo quy định của IWF, bất kỳ quốc gia nào có từ 3 vận động viên trở lên dương tính doping trong thời gian diễn ra vòng loại, sẽ đối diện với các biện pháp trừng phạt, nghiêm trọng nhất là cấm dự Olympic Tokyo.
Ông Đỗ Đình Kháng, Phó Vụ trưởng Thể thao thành tích cao II kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam, chia sẻ với Zing: "Cử tạ Việt Nam trong 3 năm qua có đến 4 VĐV dương tính với doping, nên hiện chúng tôi vẫn phải chờ văn bản chính thức của Liên đoàn Cử tạ Quốc tế (IWF) xem cử tạ Việt Nam có bị cấm tham dự Olympic Tokyo hay không".
"Theo quy định, có thể cử tạ Việt Nam sẽ bị cắt giảm số lượng VĐV tham dự (ví dụ có 4 vé thì chỉ còn 1-2 suất), hoặc bị cấm tham dự".
Thu Trang và Đình Sáng được lấy mẫu thử ngẫu nhiên bởi thành viên của Cơ quan phòng chống doping (WADA) trong lúc không thi đấu giải. Cả hai đô cử đều nhận án cấm thi đấu 4 năm, từ ngày 27/1/2020 đến 26/1/2024.
Năm 2019, Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh cũng bị IWF cấm thi đấu 4 năm và phạt 5.000 USD vì dương tính với doping. Trong vòng 2 năm, 4 đô cử Việt Nam, trong đó có 3 người từng giành HCV thế giới, dương tính doping.
Cử tạ Việt Nam hiện có 2 vận động viên nằm trong nhóm đủ điều kiện tham dự Olympic Tokyo là Thạch Kim Tuấn (hạng 5 nội dung 61 kg nam), Hoàng Thị Duyên (hạng 7 nội dung 59 kg nữ) . Ngoài ra, Vương Thị Huyền (49 kg nữ) cũng có cơ hội tham dự. Tuy vậy, các vận động viên sẽ phải chờ đợi quyết định từ IWF.
Trước đó, cử tạ Thái Lan, Malaysia và Ai Cập đã bị cấm tham dự Olympic Tokyo do có nhiều trường hợp dương tính doping.
Thạch Kim Tuấn trước nguy cơ không được dự Olympic. Ảnh: Minh Chiến. |
Vấn đề trong công tác phòng chống doping
Theo ông Kháng, việc xác định các vận động viên dương tính với doping đều do WADA phát hiện, khi kiểm tra ngẫu nhiên hoặc lúc thi đấu quốc tế.
"Bây giờ thực sự rất khó để nói làm như thế nào để xác định vận động viên dính doping, bởi nó ở lĩnh vực khác. Chúng tôi chưa có cách nào để đo xem vận động viên có dùng chất cấm hay không. Khi hỏi vận động viên, tất nhiên họ đều nói là không sử dụng", ông Kháng bày tỏ.
Theo Phó vụ trưởng Thể thao thành tích cao II, việc tìm ra chế tài xử phạt khó khăn, bởi bản thân các vận động trẻ không ý thức được họ đang dùng chất gì, có vi phạm không. Lỗi này đến từ các huấn luyện viên và nhà chuyên môn.
Ông Kháng chia sẻ: "Các vận động viên thi đấu quốc tế mới có mã số để gọi tên và lấy mẫu thử. Khi đó, tổ chức quốc tế chỉ kiểm tra các vận động viên có mã số thôi, còn đa phần các vận động viên chỉ thi đấu trong nước, địa phương không có kinh phí cử ra nước ngoài thi đấu, thì người ta dùng vô tư".
"Điều này sẽ tạo ra những bất công, bởi những vận động viên chỉ thi đấu trong nước dùng doping lại không bị phạt, trong khi những vận động viên có mã số quốc tế vô tình dính phải doping lại nhận án cấm".
Theo ông Kháng, điều bất công khác là các vận động viên dùng chất cấm để nâng cao thành tích sẽ được lựa chọn vào các đội tuyển trẻ và quốc gia, bởi căn cứ vào thành tích để xét chọn. Đây là bài toán khó, đã loay hoay trong nhiều năm, nhưng chưa tìm ra giải pháp.