Từ túp lều che nắng trong vườn, cụ Dương dựng lên căn chòi 9 tầng, cao chót vót trên ngọn cây. Hàng ngày, ông lão trèo lên tầng cao nhất để nằm võng nghe chim hót và hóng gió.
|
Đã 92 tuổi nhưng cụ Dương Văn Dương (ngụ xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, An Giang) vẫn còn khỏe mạnh, lạc quan yêu đời. Cách bến phà An Hòa khoảng 7 km, nhà cụ nằm quay cửa ra rạch Trường Tiền, phía sau có vườn cây cổ thụ. |
|
Cụ Dương được nhiều người biết đến vài năm nay, từ khi 2 tầng trên cùng của căn chòi lá nhô cao hơn các ngọn xoài trong khu vườn hàng xóm. Từ trụ sở ban nhân dân ấp An Bình nhìn về rạch Trường Tiền, căn chòi 9 tầng của cụ Dương giống như đài canh lửa trong rừng tràm U Minh Hạ. |
|
“Bà con trong vùng gọi chòi của tôi là ‘cửu trùng đài’. Lên đến tầng thứ 9 không chỉ quan sát rõ cảnh vật xung quanh, mà còn nhìn được Đài Truyền hình An Giang, phà An Hòa và Vàm Cống. Hết mùa lúa cuối năm nay, tôi làm thêm tầng thứ 10 thì sẽ nhìn thấy được trung tâm của huyện Chợ Mới”, cụ ông vừa nói vừa cười hóm hỉnh. |
|
Theo cụ, rạch Trường Tiền là nơi mình chôn nhau cắt rốn. Thuở nhỏ nhà nghèo, ông lão đi làm thuê đủ thứ nghề và vào vùng Tứ giác Long Xuyên khẩn hoang cho chủ được 20 ha đất. Sau khi lấy vợ, ông cùng cha mẹ làm ruộng và trồng cây ăn trái tại quê nhà. Để có thêm thu nhập, vợ chồng cụ trồng tre lấy nguyên liệu đan lọp (dụng cụ bắt cá ở miền Tây) bán. Sau khi vợ qua đời cách nay 31 năm, cụ ông không đan lọp trong nhà mà ra vườn che chòi làm việc một mình, gần nơi cụ bà yên nghỉ. |
|
Lúc đầu, cụ ông căng bạt vào 4 gốc cây gòn to bằng bắp chân, mỗi cây cách nhau hơn 2 m. Sau một thời gian trải chiếu dưới nền đất để vót nan tre, vài năm sau ông cụ kê cao nền và lót ván. Sau đó, cụ tiếp tục nâng căn chòi lên thành nhiều tầng, vật liệu là tre có sẵn trong vườn. “Bốn cây gòn trồng một lượt nên cao gần bằng nhau. Tôi bắt đầu làm tầng cho căn chòi của mình cách nay 20 năm. Ngọn gòn cao đến đâu thì tầng cao nhất của chòi lên tới đó và hiện nay đã cao gần 20 m tính từ mặt đất”, ông cụ nói. |
|
Bà Trần Thị Bé Bảy (con dâu của cụ Dương) cho biết, căn chòi kỳ quái của cha nằm cheo leo trong vườn, rất dễ sập nhưng xung quanh không có nhà của hàng xóm nên chưa bị người nào phản ứng. Hàng ngày, cụ ông ở trên chòi, khi đói bụng thì trèo xuống ăn cơm. |
|
“Trước đây mỗi tầng tôi đều mắc võng, giờ thì 2 tầng mới mắc một chiếc. Tôi thường rủ hàng xóm lên chòi uống rượu giải khuây nhưng không ai dám trèo. Con cháu cũng sợ té hoặc lo sập chòi nên không đứa nào chịu lên tầng 9 uống trà cùng tôi”, cụ tâm sự. |
|
Để làm được các tầng trên cao, cụ Dương dùng dây cột từng thanh tre ở dưới đất, rồi kéo lên từ từ. Mỗi tầng, ông dùng khoảng 25 cây tre dài 3 m, gác chồng chéo lên nhau, cột chặt vào 4 trụ chính là 4 cây gòn đang phát triển xanh tốt. Để lót sàn, cụ ông dùng ván hoặc những tấm phên đan bằng tre cho nhẹ. “Những hôm mưa giông, các con kêu tôi xuống vì sợ sập chòi nhưng không sập đâu, tôi cột dây chắc chắn lắm. Mình lớn tuổi rồi, muốn giải khuây thì sống thanh thản trên ngọn cây, hóng gió trời trong sạch và nghe chim hót chứ tôi không có ý gì khác”, ông cụ được hàng xóm gọi là “người chim” chia sẻ. |
|
Ngoài việc đan lọp và trồng lúa, cụ Dương còn nuôi chuột cống nhum để làm các món ăn ngon mỗi khi gia đình có khách. Đàn chuột hàng chục con của ông cụ, con nào cũng to tròn vì chủ nhân chỉ cho ăn lúa. “Chuột tự nuôi không lo chuyện nó ăn bậy bạ nên rất sạch, thịt thơm. Thấy tôi già vậy chứ đến mùa nước nổi, tôi lặn ngụp dưới nước để đặt lọp bắt cá, tôm không thua thanh niên trong làng”, cụ khoe. |
Ông Lưu Văn Khôn, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, cụ Dương là nông dân bình thường, chí thú làm ăn và không theo đạo phái nào. Vì vậy, việc cụ cất chòi trên ngọn cây chỉ là sở thích, không phải để huyễn hoặc người dân.
“Chính quyền địa phương từng đến nhà khuyên cụ Dương tháo dỡ căn chòi vì sợ nguy hiểm cho chủ nhân. Cất thêm một tầng nữa thì rất nguy hiểm, nên tới đây xã sẽ tiếp tục vận động cụ ông và con cháu sớm tháo bỏ căn chòi quá cao trên ngọn cây”, ông Khôn nói.