- Ông nhìn nhận thế nào khi hiện nay ở nhiều nơi, nhiều tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo?
- Người phạm tội tham nhũng cũng có nhiều mức độ, phạm tội ở mức độ nào phải có đánh giá chính xác. Nếu có cho hưởng án treo thì cũng không trái gì luật cả, vì thật ra có những vụ tham nhũng rất lớn nhưng cũng có những vụ tham ô chỉ vài ba triệu đồng thì cho hưởng án treo cũng không vấn đề gì.
Ông Trần Văn Độ - phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao - trả lời báo chí. |
- Dư luận kêu tham nhũng nhiều nhưng thực tế án tham nhũng được xét xử rất ít, tài sản tham nhũng được phát hiện lại rất nhỏ, ông nghĩ sao về điều này?
- 100% các vụ án tham nhũng được cơ quan điều tra chuyển sang thì tòa án đều xét xử. Vấn đề ở đây có lẽ là vấn đề của phát hiện để khởi tố, điều tra. Cái này ngoài nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra còn có trách nhiệm xã hội rất nhiều. Đội ngũ báo chí, đội ngũ thanh tra của các cơ quan nhà nước, các tố cáo của công dân đều có thể góp phần vào phát hiện tham nhũng.
Tham nhũng thường diễn ra trong thời gian dài. Đối tượng có thể đã tẩu tán tài sản, tiêu xài hoang phí hoặc chi tiêu vào những việc gì đấy mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được. Cùng lắm chỉ có thể kê biên những tài sản do người đó phạm tội mà có, chứ còn tài sản đi đâu không chứng minh được thì rất khó. Sau này khi xét xử thì có quyết định bồi thường, sẽ bằng mọi biện pháp để thu hồi cho Nhà nước.
Theo tôi, để tích cực thu hồi được tài sản thì khi phát hiện vụ án phải xử lý càng nhanh càng tốt. Thông thường theo cách của ta, tham nhũng là phải thanh tra, kiểm tra xong mới chuyển qua truy tố xét xử. Trong thời gian đó không thể tránh khỏi việc những người có hành vi phạm tội tẩu tán tài sản.
- Ông nghĩ sao khi chưa có tội phạm tham nhũng nào bị tử hình, còn ở Trung Quốc tử hình rất nhiều, trong khi án tham nhũng ở Việt Nam có những vụ rất nghiêm trọng?
- Cái đó là theo quy định của pháp luật. Còn Trung Quốc chỉ tuyên án tử hình chứ không thi hành, gọi là tử hình treo, 2 năm không thi hành và chuyển thành tù chung thân. Thật ra, việc xử lý ở Việt Nam cũng rất nặng chứ không nhẹ đâu. Tôi là chuyên gia trong lĩnh vực hình sự và thấy rằng tòa án của ta xét xử với hình phạt cũng rất nặng. Số người bị kết án vào tù cũng rất cao, khoảng 70-80%, ở các nước tỉ lệ này chỉ 50%. Rõ ràng không phải chúng ta xử nhẹ.
Nhưng còn các vấn đề khác, chẳng hạn về nguyên nhân, điều kiện làm cho tội phạm tham nhũng phát sinh và phát triển còn nhiều. Xóa bỏ điều kiện, nguyên nhân đó còn quan trọng hơn. Nhiều khi cứ để tham nhũng xảy ra rồi mới đuổi theo xử lý đem ra tòa xét xử. Giống như cứ để cho con hư rồi đánh đập nó thì không ăn thua, quan trọng phải làm sao không để con hư.