Trao đổi với Zing, anh Nguyễn Tùng, cư dân lập ra nhóm mua bán đồ cũ, thông tin hiện chung cư Masteri An Phú có một nhóm mua bán đồ ăn nội khu khoảng 1.000 thành viên.
Tuy vậy, một nhu cầu khác là các vật dụng gia đình, chăm sóc cá nhân cũng rất thiết yếu trong mùa dịch nhưng chưa có nơi để mọi người chia sẻ, trao đổi. Trong khi đó, các cửa hàng đều đóng cửa mà đặt mua online thì đợi giao hàng rất lâu, phí lại cao.
Tận dụng nguồn có sẵn trong cư dân, anh Tùng lập ra nhóm để mọi người trao đổi, thanh lý hàng hóa. Nhóm yêu cầu người bán phải chụp rõ hình ảnh, hiện trạng thực tế và giá cụ thể. Hai bên tự thỏa thuận về giá cả hoặc trao đổi với nhau, mặc định không có phí giao hàng.
Những mẫu ly, lọ hoa mà cư dân đăng thanh lý trong nhóm mua bán đồ cũ của chung cư Masteri An Phú. Ảnh: NVCC. |
Vì có sở thích cắm hoa, chị Hồng Nhung (chung cư Masteri An Phú) thường sưu tầm đủ loại lọ lớn nhỏ khác nhau. Lúc dọn dẹp, chị Nhung mới nhận thấy các lọ hoa chiếm diện tích trong nhà nhưng không đành bỏ đi vì tiếc công mua.
Chiều 18/9, người phụ nữ này đăng hình ảnh và giá tiền một số lọ hoa lên nhóm mua bán đồ cũ của chung cư. Vài tiếng sau, có hàng xóm cùng tòa nhà nhắn tin muốn mua. Chị Nhung đóng gói cẩn thận, ghi rõ họ tên người nhận, mã căn hộ và đem hàng xuống bàn giao nhận dưới sảnh để người mua xuống nhận.
“Bỏ thì phí mà để nhiều lọ hoa trong nhà thì chật chội. May có nhóm trao đổi đồ cũ giúp tôi bán bớt cho những người cần dùng. Giá cả rất hữu nghị, chủ yếu là “cũ người mới ta” nên ai cũng vui”, chị Nhung cho hay.
Một trường hợp khác, chị Thanh Tâm đổi bình hoa của mình lấy một ly thủy tinh của một cư dân khác. Cuộc giao dịch nhanh chóng, thậm chí người mua và người bán không thấy mặt nhau.
Chị Tâm chia sẻ, mùa dịch này khi dọn nhà mới phát hiện có nhiều món cất tủ rất lâu chẳng dùng đến, thậm chí còn nguyên tem mác. Trao đổi đồ dùng với nhau là một cách để làm mới không gian sống, tạo hứng khởi trong mùa dịch mà lại tiết kiệm chi phí.
Một số đồ dùng gia đình hay giày dép trẻ em cũng được cư dân đăng bán. Ảnh: NVCC. |
“Các vật dụng như nôi, quần áo, máy hút sữa,... rất cần nhưng không dễ mua mới trong lúc này. Có thể một số món hàng cư cũ với người này nhưng mới và hữu ích với người khác. Người có thêm nguồn thu nhập, người thì có thêm món hàng mới mà không phải đi xa nên rất tiện”, anh Tùng chia sẻ ý tưởng khi lập nhóm.
Chỉ vài ngày thành lập, nhóm đã có hơn 200 thành viên với hàng chục giao dịch diễn ra. Để việc giao nhận hàng vẫn đảm bảo phòng dịch, cư dân có đồ cần bán đem xuống sảnh giao nhận ngay dưới tòa nhà, ghi mã căn hộ và thông tin để người nhận xuống nhận hàng hoặc đội bảo vệ hỗ trợ giao thẳng lên căn hộ. Tất cả đều thanh toán online để tránh tiếp xúc.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.