Sau khi báo chí Mỹ đưa tin về lộ trình của tàu sân bay Carl Vinson, các đồng minh của Mỹ né tránh bình luận về diễn biến này.
"Chúng tôi không thể nói về hoạt động của phía Mỹ", một quan chức quân sự Hàn Quốc nói. Phía Nhật Bản cũng từ chối lên tiếng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời khi câu hỏi này được nêu ra trong cuộc họp báo.
Ngày 8/4 tàu Carl Vinson rời Singapore và đến ngày 15/4 tàu ở gần Indonesia, ở phía nam, thay vì đến gần bán đảo Triều Tiên ở phía bắc như Trump tuyên bố. Đồ họa: New York Times. |
Trong khi đó, cư dân mạng Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng chế giễu. "Nước Mỹ hóa ra chỉ là một con hổ giấy", một người dùng mạng Weibo viết. Còn một người khác bình luận rằng: "Hình như tàu sân bay này bị mộng du".
Trong khi đó, Triều Tiên cũng không đề cập đến vấn đề vị trí của tàu Carl Vinson, nhưng đe dọa Mỹ và các đồng minh "đừng gây rối với chúng tôi".
"Tàu sân bay hạt nhân mà Mỹ và các bù nhìn của nước này đang ồn ào rêu rao chỉ là một mớ phế liệu không hơn kém so với sức mạnh phi thường của quân đội chúng ta", tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, viết.
Tàu sân bay Carl Vinson đi qua eo biển ở Indonesia ngày 15/4. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ngày 18/4 giải thích rằng tàu sân bay Carl Vinson đi đến Australia trước tiên để tham gia một cuộc tập trận lên kế hoạch từ trước. "Bây giờ nó bắt đầu đến Tây Thái Bình Dương như mệnh lệnh".
Hồi tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay này hướng về bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng được cho là sẽ thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo tầm xa.
Vị trí của nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson cách bán đảo Triều Tiên tới gần 6.000 km. Đồ họa: SCMP.
|
Ian Storey, chuyên gia an ninh người Singapore, nói các nước trong khu vực cảm thấy bị bối rối về vị trí của tàu sân bay Mỹ. "Nhà Trắng và bộ chỉ huy có thể chưa thông suốt với nhau trong quá trình điều này. Đây rõ ràng là một điều lạ.
Ông Storey nhận định: "Việc đội tác chiến tàu Carl Vinson không ở gần bán đảo Triều Tiên làm ảnh hưởng đến lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Bình Nhưỡng".