Theo Guardian, những cơn mưa tên lửa tới tấp từ Israel đã phá hủy các mạng lưới điện nước và ống dẫn nước thải của Dải Gaza khiến người dân thành phố phải sống trong tình trạng khốn khổ tận cùng trong những ngày qua.
Tính tới ngày 17/5, cuộc xung đột Israel - Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza, đã khiến hơn 200 người tử vong và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bất chấp những lời kêu gọi giảm leo thang căng thẳng của cộng đồng quốc tế.
Theo các phóng viên AFP có mặt tại hiện trường, cứ vài phút quân đội Israel lại nã hàng tá tên lửa vào khu vực Dải Gaza do nhóm Hồi giáo Hamas kiểm soát từ tối ngày 16/5 đến rạng sáng 17/5.
“Các cuộc tấn công gây ra mất điện trên diện rộng và khiến hàng trăm tòa nhà chịu thiệt hại nặng nề”, chính quyền địa phương cho biết.
Thiếu đi những nhu cầu cơ bản
"6 trên 10 mạng lưới dẫn điện đã bị phá hủy khiến khả năng cung cấp điện của công ty giảm hơn một nửa", anh Mohammed Thabet, đại diện của Công ty Phân phối Điện lực Gaza, cho biết. "Một số khu vực gần biên giới cũng bị cắt điện hoàn toàn. Các đội ngũ của chúng tôi cũng không thể đến để khắc phục do các cuộc tấn công cứ xảy ra liên tục", anh nói thêm.
"Từ khi các nhà xung quanh bị đánh bom và nguồn điện bị cắt mất, gia đình tôi đã sống trong bóng tối gần 3 ngày", anh Mahmoud Awad, 47 tuổi, sống tại thành phố Beit Lahia cho biết. "Tôi thường sử dụng máy phát điện bên ngoài trong những trường hợp mất điện nhưng chúng cũng đã bị phá hủy".
Máy xúc đang dọn dẹp đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy tại thành phố Gaza. Ảnh: AFP. |
Một nhà máy xử lý nước biển cũng đã ngưng hoạt động và dẫn đến tình trạng 250.000 người dân không có nước sạch để sử dụng. Ở một thị trấn phía bắc thành phố Beit Lahia, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) báo cáo về cảnh tượng "nước thải và các chất thải rắn đang dần tích tụ trên đường phố".
Quân đội Israel nói rằng các máy bay chiến đấu của nước này chỉ đang “tấn công những mục tiêu khủng bố tại Dải Gaza”. Tuy nhiên, một cư dân của thành phố Gaza, Mani Qazaat, bày tỏ sự bất bình về các cuộc tấn công: “Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nên biết rằng chúng tôi chỉ là dân thường. Tôi cảm thấy mình như sắp chết vậy”.
Chính quyền thành phố Gaza thông báo rằng quân đội Israel đã phá hủy "các nút giao lộ trong thành phố khiến các đội cấp cứu cũng như cứu thương không thể nào di chuyển". Chính quyền cũng nhấn mạnh vào vấn đề nhân đạo trong cuộc xung đột này.
Một nhân viên điện lực người Palestine kiểm tra các tòa nhà bị phá hủy trong đợt không kích của Israel. Ảnh: Reuters. |
Bộ Nông nghiệp Palestine rằng nếu không nhận được nguồn cung thực phẩm sớm thì kho dự trữ của các trang trại chăn nuôi gia súc và gia cầm sẽ cạn kiệt. Việc này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp protein quan trọng của cả thành phố Gaza.
Trong suốt cuộc xung đột, OCHA nói rằng Israel đã ngăn không cho các đội ngũ cứu trợ, nguồn cung nhiên liệu và các xe tải vận chuyển thức ăn gia súc tiếp cận khu vực. Ngoài ra, Israel cũng đã ngăn cản các ngư dân ra khơi từ bờ biển Gaza và đánh bom vào những trang trại.
Khủng hoảng nhân đạo
Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc, bà Lynn Hastings, "kêu gọi chính quyền Israel và nhóm vũ trang Hamas ngay lập tức cho phép Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm và vật tư y tế vào khu vực để hỗ trợ người dân".
Vòi nước khử muối tại Dải Gaza vào tháng 7/2014. Ảnh: UNICEF. |
Ngoài ra, cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về người tị nạn Palestine (UNRWA) thống kê rằng có hơn 17.000 thường dân đã rời bỏ nhà cửa và trú ẩn trong khoảng 40 trường học. Cơ quan này cũng cảnh báo về khả năng lây lan của Covid-19 khi có quá nhiều người tập trung vào một nơi chật hẹp.
Oxfam, tổ chức cung cấp nước và vệ sinh ở Gaza, cho biết các hành động thù địch sẽ "vi phạm các vấn đề nhân quyền, gây ra tình cảnh nghèo đói và đau khổ và gây ảnh hưởng lớn đến một thế hệ trẻ em và thanh niên Palestine".
Người phụ nữ khóc thương trước tòa nhà báo chí đã bị phá hủy trong cuộc không kích. Ảnh: AP. |
Laila Barhoum, cố vấn chính sách của một tổ chức từ thiện tại Gaza, cho biết: "Ngày qua ngày, chúng tôi đều tự hỏi khi nào sẽ tới lượt mình. Ngày qua ngày, chúng tôi vẫn chờ đợi trong vô vọng một sự lên án từ cộng đồng quốc tế về những thứ đang diễn ra tại đây".
"Khi mọi thứ kết thúc, chúng tôi sẽ gầy dựng lại mọi thứ cho đến khi một cuộc tấn công khác lại một lần nữa phá hủy những gì chúng tôi đã làm nên".
Theo AFP, 197 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza, trong đó có ít nhất 58 trẻ em, và hơn 1.200 người bị thương kể từ khi Israel phát động cuộc không kích đầu tiên vào lực lượng Hamas vào ngày 10/5.
Đây cũng là cuộc giao tranh quy mô nhất trong nhiều năm tại Dải Gaza. Tại Israel, 10 người dân, bao gồm 1 trẻ em, đã thiệt mạng và 282 người bị thương bởi tên lửa của lực lượng vũ trang Hamas ở Gaza.