Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cụ bà thạo 2 ngoại ngữ 60 năm bán vé số ở phố Tây - Bùi Viện

84 tuổi, bà Hai vẫn ngày ngày chống gậy đi bán vé số khắp khu phố Tây. Cuộc đời của người đàn bà vừa biết tiếng Pháp, lại nói được tiếng Anh không một ngày phẳng lặng.

Cụ Hai bán vé số, thông thạo 2 ngoại ngữ Cụ Hai (84 tuổi) bán vé số ở khu phố Tây đã mười mấy năm nay. Điều khiến người ta chú ý đến bà là việc bà có thể nói và hiểu tiếng Anh, tiếng Pháp.

Con hẻm cụt 254 Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) vào một buổi trưa tháng 3, yên tĩnh. Khác vẻ ồn ào, náo nhiệt của khu phố Tây thường thấy.

Đặt chiếc ghế nhựa ngồi nép vào một góc, bà cụ Lê Thị Kim Anh (84 tuổi, còn gọi là cụ Hai) cầm trên tay mấy bịch sữa vừa mua được từ tiền bán vé số để mang cho đứa cháu bị tâm thần, bà trầm ngâm nhớ về cuộc đời lắm truân chuyên của mình.

Không một ngày sung sướng

Sinh ra ở mảnh đất Cần Giuộc (Long An), ba mẹ lao động vất vả vẫn không đủ ăn. Tuổi thơ của bà Hai là những chuỗi ngày khốn khó. Năm 20 tuổi, bà lập gia đình. Cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi không buông. 

Thế rồi cũng chính vì nghèo mà người chồng "đầu ấp tay gối" cũng nhanh chóng bỏ bà đi theo vợ nhỏ sau 2 năm chung sống. Có với nhau được một cậu con trai, bà Hai làm đủ nghề để có thể lo cho con.

“14 tuổi, nó (con trai - PV) đã theo tui đi thanh niên xung phong rồi. Tội lắm! Sau đó, người ta cho nó đi hợp tác lao động ở Bulgary, cuộc sống đầy đủ. Nhưng được 7 năm thì tui bệnh quá nên gọi nó về để nhìn mặt vì nghĩ mình sẽ chết. Ai ngờ đâu trời thương vẫn còn sống. Thế là nó lái xe ôm nuôi tui đến giờ”, bà Hai trải lòng.

Lúc đó, bà Hai 40 tuổi. Con trai bỏ giàu sang để về chăm nuôi mẹ. Vậy nên khi "làm sở Mỹ" được ông bà chủ thương yêu, tạo điều kiện cho xuất ngoại để sống khá giả hơn, bà Hai vẫn không đành lòng bỏ con lại.

"Tui gần lên máy bay rồi thì quay trở về. Nghĩ cảnh để con lại, mình sao đành", cụ Kim Anh nói.

Kể từ đó, người đàn bà với quá khứ là thanh niên xung phong lừng lẫy, "suýt" xuất ngoại, bắt đầu những ngày dài bươn chải đủ thứ nghề để kiếm sống, nuôi con. Từ bán bánh tét, bánh ú, chả lụa, thuốc lá đến ở đợ cho người ta.

cu ba 84 tuoi ban ve so noi 2 ngoai ngu anh 1
Ở tuổi 84, bà Hai vẫn nhớ như in từng chi tiết của cuộc đời mình. Ảnh: Hoài Thanh.

Rồi cái vòng xoay cuộc đời lại đi lặp lại với con trai của bà. Vợ bỏ đi, người đàn ông ấy một mình nuôi con. Cách đây hơn 10 năm, do sơ sẩy, cậu bé té từ căn gác cao xuống, bị thương rất nặng. Máu bầm tụ trong não, bác sĩ bảo phải có 50 triệu để mổ.

Không có tiền, bà và con trai đành lòng đem cháu về. Kể từ đó, bà Hai phụ chăm luôn đứa cháu đã là thanh niên nhưng nhận thức chỉ như đứa bé.

Bước sang tuổi 60, thay vì được nghỉ ngơi dưỡng sức, có con cái, cháu chắt phụng dưỡng thì bà lại lặn lội ngày ngày đi bán vé số. Hồi trước được dạy tiếng Pháp, sau này lại học thêm tiếng Anh, vậy nên bà Hai có thể giao tiếp tốt với khách nước ngoài.

"Thật ra tui quên từ vựng cũng nhiều lắm rồi. Nhưng đi bán vé số vẫn nói chuyện với mấy ông Tây. Họ thấy tui già mà nói tiếng Anh, họ thích lắm", cụ Hai cười móm mém.

Hàng ngày, bà Hai đi khắp các con đường của khu phố Tây: Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối để bán vé số.

Muốn hiến xác sau khi chết

Những tưởng cái khổ đã buông tha bà vào những năm tháng bên kia con dốc cuộc đời. Nhưng không.

Vào một ngày tháng 9 mấy năm trước, khi đang đi bán vé số thì cụ bị xe máy tông. "Tụi đó giật xấp vé số của tui. Té gãy tay, què chân. Bây giờ chân bị tật, phải chống gậy", cụ nói.

cu ba 84 tuoi ban ve so noi 2 ngoai ngu anh 2
Bà Hai hàng ngày chống gậy đi bán vé số. Ảnh: Hoài Thanh.

Từ việc tuổi già đi đứng đã khó, nay lại thêm vết thương do tai nạn. Bà Hai cũng không có thời gian để nghỉ ngơi, gắng gượng bươn chải kiếm sống.

“Đời tui không có một ngày sung sướng. Tui đăng ký hiến xác được 4 năm rồi mà sao chưa chết luôn”, cụ Hai quay sang nói tỉnh rụi.

Bà Hai bảo cụ muốn hiến xác để cho các bác sĩ nghiên cứu thí nghiệm, hiến tạng được cho ai thì mừng. Bà nghĩ chết rồi sẽ được trở về với cát bụi, bay bay nhẹ tênh rồi hòa vào với đất.

Mà thật ra, cũng một phần vì bà Hai không muốn làm phiền hàng xóm. “Tui không có ai thân thiết hết. Con cháu khổ quá rồi, đến khi chết thì mình làm sao để cho bớt nặng gánh cho con”, ánh mắt cụ nhìn xa xăm.

Sống ở khu phố Tây từ năm 10 tuổi, cụ bảo thích Bùi Viện của ngày nay, dù có nhiều quán bar nhưng nó mang lại không khí vui vẻ chứ không phức tạp. "Ngày xưa yên lặng nhưng cướp bóc, giết người nhiều lắm. Giờ đỡ hết 8 phần”, bà cụ 84 tuổi nói.

Hiện tại, bà Hai ở nhờ trên căn gác tạm của nhà chủ vốn ngày xưa bà thuê. Đây cũng là nơi mà đứa cháu của bà té, trở thành người mất hết nhận thức. Cũng từ khi bà Hai bị xe tông, không thể leo lên gác ở, bà đành lót tạm một góc dưới đất để ngủ. Đêm đến, chuột, gián lại khiến bà thức giấc.

“Số phận đời đặt để rồi thì mình không có gì buồn. Ai cũng có cái số. Tui không ham sống nhưng trời chưa cho chết. Chỉ mong ước sao có phép màu nào như trúng tờ vé số chẳng hạn, để lo cho hai cha con nó có cái nhà tạm ở. Khi đó, tui nhắm mắt cũng hạnh phúc”, bà Hai nói rồi lúi húi lôi tập vé số ra để đi bán.

cu ba 84 tuoi ban ve so noi 2 ngoai ngu anh 3
Căn gác lụp xụp nơi bà Hai ở nhờ nhà chủ. Bây giờ chân bị tật nên bà khó để leo lên. Ảnh:Hoài Thanh.

Khi tôi ngỏ ý mời bà Hai bữa cơm trưa, bà xua tay, chỉ vào bụng, nói: "I'm too full".

"Dì nói vậy không biết đúng không, thời gian lâu quên hết rồi", bà Hai cười, chống gậy quay lưng đi giữa cái nắng gắt của Sài Gòn trưa tháng 3.

Mảnh đời người phụ nữ bị tàu hỏa cán cụt tay ở ga Sài Gòn

Mỗi khi nghe tiếng còi, nếu đúng là tàu về đường ray mình phụ trách, chị Thu Lan sẽ nhanh chóng bật dậy tiến về phía đó chờ để trèo lên toa tìm kiếm phế liệu mưu sinh.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm