"71 năm 2 đứa bên nhau, chẳng giúp được gì. Nay ai còn ai mất, người ở lại sẽ có trách nhiệm.
Em ơi cố lên".
Bức thư với vài dòng chữ ngắn ngủi được ông T.N.L. (72 tuổi, trú tại Liên Minh, Thanh Trì, Hà Nội) viết và nhờ điều dưỡng gửi cho vợ - bà T.T.Â. (71 tuổi). Những dòng tâm sự vội vàng của ông được viết khi vừa tỉnh giấc, mốc thời gian trong thư có thể sai lệch. Tuy nhiên, tình cảm của ông dành cho bà khiến các nhân viên y tế không khỏi xúc động.
Mắt bà Â. vẫn nhắm nghiền, nằm im lặng trên chiếc giường bệnh cách đó chừng 5 ô gạch.
Bức thứ được ông L. gửi cho bà Â. sau khi tỉnh lại. Ảnh: BSCC. |
Nữ điều dưỡng nhẹ nhàng cầm lấy bức thư từ tay ông, bước 2 sải chân tới giường bà, cúi sát tai bệnh nhân của mình và đọc lên từng chữ. Người phụ nữ vừa bước sang tuổi thất tuần mới vượt qua giai đoạn nguy kịch của căn bệnh tưởng chừng đã tước đi mạng sống của bà. Khi đó, bà chưa thể tỉnh lại.
"Ngừng đọc, mắt chị điều dưỡng bỗng đỏ hoe. Đôi mắt bà Â. vẫn nhắm chặt nhưng từ đâu, 2 dòng lệ chảy xuống, qua thái dương, thấm ướt gối", bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho 2 ông bà, mô tả lại khung cảnh tối hôm đó.
Xin được nhường máy thở
Ngày 2/8, bác sĩ Thiệu cùng ê-kíp có thông tin và được yêu cầu chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân L. từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Vài giờ sau, ông L. nhập viện với diễn biến nặng, phải thở oxy.
Ông L. có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 từ 26/7, đã cao tuổi, thể trạng yếu, bác sĩ Thiệu biết rằng đây sẽ là trường hợp khó khăn mà anh cùng các nhân viên y tế trong khoa phải đối mặt. Dẫu vậy, tình huống này đã trở nên quá quen thuộc suốt gần 2 năm chống dịch.
Dù ở hoàn cảnh nguy kịch, bà Â. vẫn lựa chọn vì gia đình. Ảnh: BSCC. |
Bốn ngày sau, ông L. cũng được chuyển đến trong tình trạng tương tự vợ. Bà Â. đủ minh mẫn để nhận ra chồng mình.
Tuy nhiên, khoảng 17h cùng ngày, bà bắt đầu có những diến biến nặng hơn, tổn thương phổi gần như toàn bộ, chỉ số oxy trong cơ thể ở ngưỡng thấp. Bác sĩ Thiệu quyết định đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.
Khi ê-kíp đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng, bà Â. bất ngờ quay sang nhìn chồng, thều thào: “Xin bác sĩ cho chồng tôi thở máy. Tôi không cần. Tôi thấy mình vẫn khỏe lắm”.
Theo lời bác sĩ Thiệu, người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình.
“Sau khi giải thích về việc chúng tôi cần can thiệp để đảm bảo mức oxy cho cơ thể, bà Â. nghĩ ngay đến việc nhường nó cho chồng. Chúng tôi đành phải cố giải thích thêm rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau. Oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng và thời gian. Trường hợp của ông cần tiếp tục theo dõi chứ chưa phải can thiệp ngay như bà”, bác sĩ Thiệu kể lại.
Dẫu vậy, nét mặt bà Â. vẫn chưa cho thấy mình bị thuyết phục. Họ đành chỉ tay về nơi góc phòng máy: “Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu thiết bị đâu ạ. Chúng cháu sẽ cố gắng cứu cả 2 ông bà”.
Thoáng chốc, các vết nhăn trên gương mặt bà Â. giãn ra như thay cho cảm giác an tâm. Thuốc an thần bắt đầu có tác dụng, bà dần đi vào giấc ngủ.
Các bác sĩ ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại khoa Cấp cứu. Ảnh: BSCC. |
“Trong suy nghĩ của nhiều người, các cơ sở y tế của chúng ta đang quá tải, mọi bệnh viện đều thiếu thốn cơ sở vật chất. Thêm vào đó, một số bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn hoặc nhẹ đi sẽ được chuyển sang phòng khác. Có lẽ vì thế mà bà nghĩ người khác không thở nữa mới đến lượt mình. Hoặc đơn giản hơn, bà nghĩ việc làm này tốt nên muốn nhường suất đó cho chồng”, bác sĩ Thiệu phỏng đoán.
Sự quan tâm từ ánh mắt
Hai ngày sau, tình trạng sức khỏe của ông L. trở nặng. Lúc này, ông cũng cần được can thiệp thở máy như bà trước đó.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, điều này có lẽ tốt hơn việc hàng ngày, ông phải nhìn bà nguy kịch mà không thể giúp gì.
Đến ngày 12/8, điều kỳ diệu cũng xảy ra khi ông L. và bà Â. đều đáp ứng tốt với điều trị. Cả 2 người được rút ống nội khí quản thành công và chuyển sang thở oxy. Dẫu vậy, do nhập viện trước cùng thời gian thở máy lâu hơn, bà Â. chưa thể tỉnh lại. Theo bác sĩ Thiệu, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong khoảng 3-5 ngày.
Trong khi đó, ông L. như vừa tỉnh lại sau một giấc ngủ dài. Ông chuyển sang giai đoạn hồi phục khá nhanh và sớm có lại nhận thức dù chưa thể nói chuyện một cách rõ ràng. Việc đầu tiên ông làm khi đó là ngước sang nhìn vợ.
Ông L. tỉnh lại sau khi được rút ống nội khí quản và gửi lời nhắn cho vợ qua bác sĩ. Ảnh: BSCC. |
“Những ngày này, thi thoảng ông lại ngước đầu lên nhìn bà, nhất là mỗi lần điều dưỡng tới gần bà để tiêm truyền hay đưa đi chụp chiếu. Nét mặt ông lộ rõ vẻ lo lắng, như muốn làm gì đó nhưng ngoài khả năng vì chính ông cũng đang phải thở oxy”, bác sĩ Thiệu nói.
Biết được tâm tư của bệnh nhân, các nhân viên y tế tại khoa Cấp cứu đã giải thích với ông L. về tình trạng của bà. Dù không thể khẳng định bà Â. sẽ khỏe lại hoàn toàn, 2 ông bà đều đã trải qua những ngày diễn biến nặng nhất của bệnh.
Bác sĩ Thiệu chia sẻ: “Covid-19 thường có yếu tố gia đình. Một người mắc bệnh, cả nhà thường cũng sẽ lây nhiễm virus. Câu chuyện của ông L. và bà T. giống như điểm nhấn về cảm xúc đối với bản thân chúng tôi - những người làm trong ngày y tế, hàng ngày điều trị các bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi cũng từng phải chứng kiến những hoàn cảnh bất hạnh khi cả gia đình 4 người nhập viện nhưng chỉ một người có thể trở về”.
May mắn, ông L. và bà Â. đến nay đều tiến triển tốt. Với bác sĩ Thiệu, đó là nguồn động lực rất lớn.
“Hàng ngày chăm sóc, theo dõi các bệnh nhân, thời gian gắn bó với họ cũng rất dài, chỉ cần có dấu hiệu tiến triển tốt, chúng tôi đã rất vui. Bởi vậy, thời điểm được chứng kiến họ bước lên xe, trở về với gia đình cùng sức khỏe tốt luôn là khoảnh khắc hạnh phúc với mọi bác sĩ. Đó giống như một thành công trong sự nghiệp làm nghề y của mỗi người chúng tôi vậy”, bác sĩ Thiệu tâm sự.