Dù đã 102 tuổi song cụ vẫn có thể hít đất mỗi ngày. |
Bí quyết sống thọ của cụ bà 102 tuổi
Một ngày giữa tháng tư, trong cái nắng như lửa đốt, chúng tôi tìm về xã Long Hà (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), ghé thăm cụ Nguyễn Thị Kết, người được dư luận địa phương ca ngợi có sức khỏe “phi thường”. Men theo nhiều lối mòn, cách đường chính của xã Long Hà khá xa để vào thôn 6, nơi cụ Kết đang sinh sống cùng với con, cháu. Đến nơi, chúng tôi bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy hình ảnh một bà cụ với đôi chân bước đi thoăn thoắt, mặc tiết trời nắng gắt. Thoạt nhìn, trông cụ chỉ khoảng 70 tuổi, chẳng giống người đã bước qua 102 mùa Xuân.
“Cụ 102 tuổi thật hả cô?” – người viết mở đầu câu chuyện với chủ nhà. Bà Nguyễn Thị Hiền (69 tuổi, con dâu của cụ Kết), không trả lời ngay, vội đi vào nhà lấy ra một số giấy tờ, trong đó đều ghi rõ cụ Nguyễn Thị Kết, sinh năm 1922. Lúc này, cụ Kết tiếp lời: cách đây hai năm, vào dịp mừng thọ 100 tuổi, tôi được Chủ tịch nước tặng xấp vải gấm đỏ”. Nói rồi, cụ nhờ con dâu vào nhà lấy, đưa ra một chiếc áo được may từ vải gấm đỏ để chứng minh lời mình nói là đúng.
Khi được hỏi, làm thế nào để cụ có được sức khỏe dẻo dai như thế?, cụ Kết cho biết, chẳng có bí quyết gì cả, mỗi ngày chỉ dành 2 tiếng đồng hồ để tập thể dục. Các bài tập đều do cụ tự nghĩ ra, bắt đầu tập luyện từ năm 1994 đến nay. Trong số các bài thể dục ấy không thể thiếu hít đất. Cụ Kết minh họa theo lời kể chuyện bằng những động tác tập thể dục quen thuộc. Sau khi xoay tay trái, chuyển qua tay phải, cúi người, xoay hông, cụ chuyển sang hít đất.
“Mẹ có thể hít đất được tới 20 cái/lần mà không hề hấn gì. Mỗi ngày mẹ dành 2 tiếng đồng hồ để tập luyện, đều đặn hai buổi sáng, chiều không bỏ ngày nào. Mẹ cũng ngồi thiền khoảng 30 phút vào mỗi buổi tập” – bà Hiền nói và cho biết sức khỏe của cụ Kết dẻo dai, ngoại trừ một lần bị sốt rét, còn lại cụ không phải uống viên thuốc trị bệnh nào.
Mỗi ngày cụ tập thể dục tới hai tiếng với nhiều động tác khó. |
Theo lời cụ Kết, để có được sức khỏe như bây giờ, chăm chỉ tập thể dục chưa đủ, còn phải giữ được nếp sinh hoạt. Cụ nói, không biết làm thế nào mới gọi là đúng chuẩn khoa học, song những gì cụ nghĩ ra và thực hiện, lại thấy có hiệu quả.
Theo đó, mỗi ngày cụ đều ăn đủ 3 bữa, kể cả khi biếng ăn, không ăn vặt. Khoảng 9 giờ tối cụ đi ngủ và thức dậy lúc 5 giờ sáng. Trưa mỗi ngày cụ đều nằm ngủ một chút. “Việc tắm rửa, sinh hoạt cá nhân mỗi ngày đều tự mẹ làm, không cần tới con cháu hỗ trợ” – người con dâu nói về cụ Kết.
Theo lời kể của cụ Kết, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), cả gia đình từ tỉnh Hà Tây (cũ) vào tỉnh Sông Bé (cũ) nay là tỉnh Bình Phước lập nghiệp. Ngày đó, ở xã Long Hà, nơi gia đình cụ Kết đặt chân đến còn hoang sơ, cuộc sống khó khăn.
Đến vùng đất mới song gia đình quen với việc đồng áng nên sau khi dựng được căn nhà cấp 4, đã bắt đầu khai hoang trồng lúa, làm đủ mọi việc để nuôi 8 người con. Ở đất khách quê người được vài năm thì đột nhiên chồng cụ Kết lâm bệnh nặng rồi mất, một mình cụ gồng gánh nuôi các con.
Cụ ngồi thiền sau khi tập thể dục nhiều động tác. |
Ngồi xe máy hàng giờ, chinh phục tòa nhà cao nhất Việt Nam
Theo ông Nguyễn Trọng Bảo (78 tuổi, con trai cụ Kết), đến ông cũng bất ngờ với tình trạng sức khỏe của mẹ mình. “Dù hơn 100 tuổi nhưng mẹ vẫn ngồi xe máy đi hàng chục cây số. Đến nay, mẹ vẫn nhớ từng kỷ niệm, mốc thời gian trong cuộc đời và nhớ tên, tính cách của toàn bộ con, cháu, chắt” – ông Bảo nói và cho biết cụ Kết sống chung với vợ chồng ông từ trước đến nay.
Ông Bảo kể tiếp: “Mỗi ngày khi các con đi, mẹ ở nhà nấu cơm, cho gà ăn, ra vườn nhặt củi. Sợ mẹ làm việc ảnh hưởng tới sức khỏe, tôi có khuyên nên nghỉ ngơi nhưng mẹ không nghe. Tết Nguyên đán vừa rồi, em trai tôi đưa mẹ đến thị xã Bình Long lễ chùa, đi biển Cần Giờ ở TPHCM. Cụ nghe kể về tòa nhà 81 tầng cao nhất Việt Nam ở TPHCM, thế là nhờ con chở đến tham quan, để chinh phục. Được đi lên tòa nhà cao nhất nhìn TPHCM, mẹ vui lắm, về đến nhà gặp ai cũng kể”.
Cụ vẫn tự đi bộ cùng cháu, chắt dù đã 102 tuổi. |
Hình ảnh kỷ niệm lễ mừng thọ 100 tuổi của cụ vào năm 2022. |
"Tôi biết tuổi của mình, mấy người đến thăm đều bảo ở cái tuổi của tôi thường bị đãng trí, lẫn. Còn tôi nhờ trời thương, đến tuổi này rồi vẫn minh mẫn. Tôi có 16 người con trai, gái, dâu rể. Cháu nội ngoại có 24 đứa và chắt có tận 39 đứa. Con, cháu về thăm, kể ở đâu, làm việc gì, đứa nào khó khăn, thành đạt… tôi còn nhớ hết” – cụ Kết khoe với chúng tôi về trí nhớ phi thường của mình.
Ông Bảo, người con trai trưởng của cụ Kết tâm sự: “Thấy mẹ tuổi đã cao nhưng còn khỏe mạnh, mọi người trong gia đình ai cũng vui mừng. Mẹ có 8 người con, tất cả đều còn hết. Dù rời quê từ rất lâu, nhưng mẹ luôn nhớ về. Mỗi lần về Bắc thăm quê, dù đi xa hàng nghìn cây số nhưng mẹ vẫn thích đi ô tô để ngắm cảnh, con cháu cũng chiều theo”.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.