Cuối tuần qua, Hải quân Mỹ cho biết hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở phía tây Thái Bình Dương, còn tàu USS Nimitz hoạt động ở phía đông.
Mỗi tàu sân bay chở theo hơn 60 máy bay. Đây là lần điều động tàu sân bay rầm rộ nhất của Mỹ đến Thái Bình Dương kể từ năm 2017, theo CNN.
Tàu khu trục USS Barry hoạt động cùng tàu USS Ronald Reagan ở biển Philippines cuối tháng 5. Ảnh: US Navy. |
“Tàu sân bay và phi đội tấn công là biểu tượng phi thường của sức mạnh hải quân Mỹ. Tôi rất phấn khích khi có cả ba tàu cùng hoạt động ở khu vực trong thời điểm này”, Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, người điều hành các chiến dịch tại Bộ Tư lệnh Ấn - Thái Bình Dương ở Hawaii, nói.
Như vậy Mỹ đang có đến 7 tàu sân bay ở Thái Bình Dương, gồm 4 chiếc đang neo ở cảng tại các nước để bảo trì, theo CNN.
Còn AP nhấn mạnh bản chất khác thường trong hoạt động lần này của đội tàu sân bay Mỹ, bởi vì các tàu vốn luân phiên hoạt động dựa trên lịch trình bảo trì sửa chữa, viếng thăm, huấn luyện hoặc được triển khai đến các vùng khác nhau trên thế giới.
Bác bỏ thuyết âm mưu của Trung Quốc
Theo US News, trong số hơn 8.000 ca nhiễm Covid-19 trong quân đội Mỹ thì riêng nhóm hải quân đã chiếm 1/3.
“Nhiều biểu hiện cho thấy Trung Quốc cố gắng miêu tả quân đội Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch, dẫn đến sự sẵn sàng ứng phó trong quân đội rất thấp”, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nói với AP.
Sự việc xảy ra trên tàu USS Theodore Roosevelt hồi cuối tháng 3, khi 1.200 thuỷ thủ bị nhiễm Covid-19 và một người thiệt mạng, quả thực đã dấy lên nghi vấn về sự sẵn sàng ra trận của quân đội Mỹ trong giai đoạn đại dịch, theo Wall Street Journal.
Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tàu tác chiến đi cùng tàu USS Ronald Reagan, cho biết hải quân Mỹ đã học được bài học kinh nghiệm sâu sắc. Tất cả thuỷ thủ trên tàu Ronald Reagan và tàu Nimitz đều được cách ly hai tuần, rồi xét nghiệm hai lần, trước khi xuống tàu và ra khơi.
Trong số những quy trình mới được thiết lập, thuỷ thủ nếu phát sốt thì có thể gọi đội ngũ y tế đến chứ không cần phải tự đi tới khu vực phòng khám trên tàu nhằm hạn chế khả năng lây lan. Các đoạn phim hướng dẫn trên tàu cũng nhấn mạnh việc giữ vệ sinh và duy trì khoảng cách nếu có thể.
“Điểm mấu chốt là đây là một sứ mệnh (tuần tra hàng hải) lâu dài và không thể bị gián đoan vì dịch bệnh. Chúng tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy an ninh khu vực cùng các đối tác và duy trì cao độ tinh thần sẵn sàng”, ông Wikoff nói.
Từ trên tàu Nimitz, Chuẩn đô đốc Jim Kirk nói: “Bây giờ là lúc chúng ta phải đi làm nhiệm vụ với khả năng tốt nhất”.
Theo bà Glaser, qua sự phô diễn lực lượng hải quân rầm rộ này, “Mỹ muốn gửi tín hiệu đến Trung Quốc là không nên tính toán sai lầm”. “Phía Trung Quốc chắc chắn sẽ chộp lấy dịp này để rêu rao Mỹ khiêu khích, Mỹ là nguồn cơn gây bất ổn trong khu vực”.
Sự việc xảy ra với thuỷ thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đặt ra bài học cho hải quân Mỹ về bảo đảm an toàn sức khoẻ cho binh sĩ khi hoạt động trong mùa dịch. Ảnh: USNI. |
“Bình thường mới” của hải quân
Ngay sau khi các tàu sân bay Mỹ rời cảng để đến Thái Bình Dương, tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 14/6 cáo buộc các tàu này đe doạ đến sự an toàn của binh sĩ Trung Quốc đồn trú trái phép ở Biển Đông. “Mỹ đang thực thi chính trị bá quyền của nước này”, tờ báo dẫn lời Li Jie, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh.
Bài viết trên cũng được dẫn lại trên trang thông tin chính thức bằng tiếng Anh của quân đội Trung Quốc, theo CNN.
Để đối phó với sự thị uy của Mỹ, bài viết cho rằng Bắc Kinh có thể tổ chức tập trận để phô trương hoả lực. “Trung Quốc sở hữu nhiều vũ khí huỷ diệt tàu sân bay như các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26”, tờ báo Hoàn cầu viết.
Zhang Junshe, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quân sự Trung Quốc, thì cho rằng chiến dịch này của Mỹ là "trò phô trương” khi thế giới hoài nghi năng lực quân sự của Mỹ qua sự cố với tàu Theodore Roosevelt.
Tuy nhiên, Chuẩn đô đốc Koehler cho rằng chiến dịch rầm rộ là một “bình thường mới”. Mặc dù khả năng duy trì hạm đội cả 3 tàu sân bay cùng tuần tra khó có thể diễn ra lâu dài, nhưng “đó là điều chúng tôi có thể thực hiện bất cứ lúc nào mong muốn”.
Thậm chí, từ tháng trước, Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương cũng triển khai tất cả tàu ngầm trong các hoạt động ở phía tây vùng biển này. Dù quân đội Mỹ không công bố số tàu được điều động, các chuyên gia cho biết có thể 8 tàu ngầm khó dò tìm và tấn công nhanh đã tham gia chiến dịch, theo CNN.
Carl Schuster, nguyên giám đốc Trung tâm tình báo liên quân tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói các động thái trên không phải là ngẫu nhiên.
“Hải quân Trung Quốc không thể biết được các tàu ngầm Mỹ đang ở đâu, và điều đó đặt ra thách thức cho việc tính toán và lên kế hoạch trả đũa”, ông Schuster nói.
Tình hình hiện tại càng thêm khó khăn cho Trung Quốc, khi Bắc Kinh phải theo dõi thêm cả 3 tàu sân bay Mỹ và đội tàu hộ tống, theo vị chuyên gia.