Thông tin trên được ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB chia sẻ với cổ đông trong phiên họp thường niên diễn ra sáng nay (30/6).
Theo ông Vỹ, cho vay mua ôtô là mảng kinh doanh đã được nhà băng này tập trung phát triển trong nhiều năm gần đây. Càng nhiều thành viên tham gia cạnh tranh càng làm thị trường sôi động và khách hàng là người được lợi nhiều nhất khi có nhiều lựa chọn hơn.
Cho vay mua ôtô nhiều nhất thị trường
Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng cho hay, cuộc cạnh tranh này cũng làm chất xám trong hệ thống phát triển rất nhiều và những người tham gia thị trường lâu năm sẽ có những tích lũy riêng.
“Cứ 100 xe chạy trên thị trường thì có 14 chiếc vay qua VIB. Đây là sự ủng hộ, niềm tin của khách hàng với ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn luôn cố gắng để duy trì vị thế số 1 này”, ông Vỹ nhấn mạnh.
Theo ông Vỹ, các sản phẩm tài chính và tiêu dùng như thẻ, ôtô, nhà cửa không phải là đồ xa xỉ mà là đồ thiết yếu. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các mặt hàng này càng trở nên cần thiết vì nhu cầu cao bởi do người dân hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB. Ảnh: VIB. |
Hiện tại, VIB vẫn là nhà băng nắm giữ thị phần cho vay mua ôtô lớn nhất trong nước với trên 25%. Ngoài ra, VIB còn chiếm thị phần số một (80%) trong mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng của Prudential.
Chia sẻ về hoạt động cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Vỹ cho biết, VIB đã thực hiện giảm lãi vay cho khách hàng trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01.
Đến nay, số lượng dư nợ được giảm lãi vào khoảng 8.500 tỷ, đối tượng xin giãn nợ khoảng 2.600 tỷ và 98,8% số này đã được giãn nợ. Ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất từ 0,5-2% cho các khách hàng vay nợ trung dài hạn có nguy cơ ảnh hưởng bởi dịch Covid.
Theo ông Vỹ, kế hoạch ban đầu của HĐQT dự kiến trình cổ đông con số lợi nhuận cao hơn nhưng do tác động của dịch Covid-19 nên đã phải điều chỉnh xuống với mức tăng trưởng 10% năm liền trước như đã trình cổ đông.
Tính đến hết quý II, ngân hàng đã hoàn thành 52% kế hoạch cả năm, tương đương mức lợi nhuận 2.340 tỷ đồng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng lưu ý nếu tình hình diễn biến quá phức tạp thì sẽ phải xem xét lại.
Chốt niêm yết trên HOSE vào tháng 11
Trong năm nay, các cổ đông ngân hàng đã chính thức thông qua kế hoạch tổng tài sản tăng 20% so với đầu năm, dự kiến đạt 222.000 tỷ đồng vào cuối năm.
Các chỉ tiêu huy động vốn dự kiến tăng 19% (bao gồm cả tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá); dư nợ tín dụng tăng 24% (gồm cả cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp và mua nợ), tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Tính đến hết quý II năm nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 6%. Ngân hàng kỳ vọng năm nay sẽ được NHNN nhìn nhận và cho tăng trưởng tín dụng như mục tiêu VIB đề ra.
Với các chỉ tiêu này, cổ đông VIB đồng ý thông qua kế 4.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, tăng 10% so với số thực thu năm 2019.
Chia sẻ riêng về vấn đề nợ xấu, ông Vỹ cho biết, trong 3 năm nay ngân hàng không có nợ xấu lớn. Nguyên nhân vì ngân hàng có khẩu vị rủi ro riêng, linh họat và được điều chỉnh 3 tháng 1 lần. VIB cũng không có khách hàng doanh nghiệp với dư nợ lớn.
Hiện tại, ngân hàng có 85% dư nợ là khách hàng cá nhân, trong đó 97% có tài sản đảm bảo tốt, 3% vay không tài sản bảo đảm nhưng đều có dòng tiền chi trả lương qua ngân hàng...
Ngoài ra VIB hiện không có công ty con cho nên toàn bộ hoạt động đều tập trung vào ngân hàng mẹ.
Trả lời câu hỏi của nhiều cổ đông về việc khi nào niêm yết cổ phiếu trên HOSE, ông Vỹ cho biết, nếu được các cơ quan quản lý thông qua dự kiến VIB sẽ chuyển sàn niêm yết sang HOSE ngay tháng 11.
“Hiện VIB giao dịch trên UpCOM nhưng khối lượng giao dịch cao hơn nhiều ngân hàng niêm yết khác, cho thấy thanh khoản rất tốt. Nếu lên sàn chính thức thì kỳ vọng sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Vỹ nói.
Cũng trong năm nay, VIB dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế với tổng số tiền gần 1.849 tỷ đồng.
Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 9.245 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 11.094 tỷ đồng. Hiện tại ban lãnh đạo chưa chốt thời điểm cụ thể để thực hiện tăng vốn nhưng sẽ thực hiện trong năm nay.
Sau khi tăng vốn, danh sách cổ đông lớn sở hữu cổ phần VIB vẫn không thay đổi. Commonwealth Bank of Australia vẫn là cổ đông sở hữu 20% vốn VIB.