Đó là đánh giá của chuyên gia Murray Hiebert trên website của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Theo quan sát của vị này, gần 3 tháng sau khi đắc cử, Tổng thống Trump vẫn chưa đẩy nhanh việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng về chính sách đối ngoại và chưa đưa ra chính sách cụ thể đối với Đông Nam Á. Điều này tạo cảm giác khoảng trống và sự không chắc chắn đối với khu vực về chính sách mới của Washington.
"Một số quốc gia vì nghĩ có khoảng trống quyền lực này nên muốn lôi kéo các nước Đông Nam Á trong bối cảnh Washington bị phân tâm", ông viết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện chúc mừng ông Trump sau cuộc bầu cử. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, chuyên gia từ CSIS nhận định Việt Nam đã kết nối với chính quyền mới của Mỹ rất nhanh chóng, làm rõ vai trò của Việt Nam là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ ở Đông Nam Á và trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Chính quyền Trump phản hồi tích cực
Tổng thống Trump sau khi đắc cử đã nhận cuộc gọi chúc mừng từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đến cuối tháng 2, ông Trump gửi thư cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nói ông quan tâm thúc đẩy hợp tác về "kinh tế, thương mại và những vấn đề quốc tế và khu vực".
Ngày 20/4 (giờ địa phương) Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến Washington và gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Ngoại trưởng Tillerson và Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia H.R. McMaster khẳng định chính quyền mới tiếp tục coi trọng và ủng hộ quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, cho rằng hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp. Phía Mỹ gửi lời mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Washington trong thời gian phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cũng sẽ có cuộc gặp gỡ và đối thoại về an ninh với giới chức quốc phòng Mỹ trong khoảng một hoặc hai tháng tới.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiếp Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: BNG Mỹ. |
Phó tổng thống Mike Pence dừng chân tại Indonesia (vào hôm qua) trong chuyến công du châu Á, bên cạnh đến thăm các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
Tại đây, ông Pence khẳng định Tổng thống Trump sẽ đến Philippines dự Hội nghị cấp cao ASEAN và đến Việt Nam dự hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11.
Hội nghị APEC sẽ diễn ra ở Việt Nam vào tháng 11 này đánh dấu lần đầu tiên một tân tổng thống Mỹ đến Đông Nam Á, qua đó tạo cơ hội để ông tham gia với khu vực châu Á - Thái Bình Dương về mặt kinh tế.
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) cho rằng ASEAN và các thành viên nên nỗ lực thuyết phục chính quyền Trump rằng sự tham gia tiếp tục của Mỹ, về kinh tế, ngoại giao, chính trị và quốc phòng/an ninh, là điều cần thiết không chỉ với sự ổn định ở Đông Nam Á, mà còn là sự cân bằng ở khu vực. "Khi đó, ASEAN mới duy trì được sự chủ động và vai trò trung tâm của mình", ông nói.
Chú trọng đầu tư và thương mại
Theo chuyên gia Hiebert, ngay khi Mỹ có chính quyền mới, Việt Nam đã thể hiện mong muốn chú trọng quan hệ đầu tư và thương mại với đối tác lớn này.
Theo một tài liệu của Nhà Trắng, Việt Nam đứng thứ 6/16 quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Danh sách do Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng soạn thảo. Trong khi đó, một trong những chỉ đạo gần đây của Tổng thống Trump là nghiên cứu về thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước.
Ảnh minh họa: ATimes. |
Adam McCarty, kinh tế gia trưởng tại Mekong Economics (Hà Nội), nói với VOA rằng Việt Nam cần lường trước các kịch bản về lâu dài, vì quan điểm nhất quán của Tổng thống Trump là giữ công việc lại Mỹ thay vì thành lập các nhà máy ở nước ngoài.
Theo chuyên gia CSIS, trước đó, Việt Nam được cho là đã tiếp xúc Bộ Thương mại Mỹ về hợp tác nhằm đạt được cân bằng thương mại giữa hai nước.
Và trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ toàn diện, Việt Nam đang có những lợi thế nhờ những động thái đối ngoại chủ động, chuyên gia Murray Hiebert nhận định.