Dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington D.C., Mỹ) cho rằng phần góc đông bắc của Đá Chữ Thập được trang bị các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến lớn hơn so với các đảo nhân tạo khác ở Trường Sa.
Khu vực được cho là nơi xây dựng trung tâm liên lạc ở Đá Chữ Thập. Ảnh: AMTI. |
Những nhận định này dựa trên so sánh hình ảnh chụp từ vệ tinh của chính CSIS so với những hình ảnh chụp các bãi đá khác do tờ Philippine Daily Inquirer công bố đầu tháng này.
"(Điều đó cho thấy) Đá Chữ Thập có thể sẽ được dùng như một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này", South China Morning Post dẫn báo cáo ngày 16/2 của CSIS.
7 bãi đá Trung Quốc xây dựng và bồi lấp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: Wall Street Journal. |
AMTI cho rằng Đá Chữ Thập là địa điểm xây dựng tích cực nhất của Trung Quốc trong năm 2017 với các công trình trái phép phủ kín diện tích 100.000 m2. Hồi năm 2015, Trung Quốc cũng đã hoàn thành đường băng phi pháp dài 3.000 m ở mũi phía bắc của bãi đá này. Đến năm 2017, Trung Quốc đã hoàn thành các nhà chứa máy bay đủ lớn để phục vụ máy bay ném bom, tiếp nhiên liệu cho các phương tiện ở phía nam đường băng.
Đá Chữ Thập là một trong 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép và quân sự hóa trong vài năm qua.