Ngày 24/9, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (C08, Bộ Công an), cho biết đơn vị này đang nghiên cứu đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm.
Theo đại tá Bình, Việt Nam đang áp dụng hình thức tước GPLX có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính xong thì trả lại bằng lái, cách thức này dẫn tới tình trạng “phạt cho tồn tại”.
CSGT xử lý vi phạm. |
Với cơ sở dữ liệu về GPLX cập nhật trên hệ thống điện tử, việc áp dụng công nghệ sẽ đảm bảo cho công tác xử lý vi phạm giao thông. Khi bị trừ 50% điểm trên GPLX, chủ sở hữu phương tiện sẽ cận kề nguy cơ bị tước GPLX nếu tái diễn vi phạm.
Đơn vị này cũng kiến nghị sửa Luật Giao thông theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến; sửa Luật xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo chứng cứ phải quan trọng hơn thủ tục.
Cần nghiên cứu kĩ về "thang điểm"
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho rằng hình thức xử phạt trừ điểm hiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Ông cho biết, trước đây cũng từng áp dụng hình thức cắt ô hoặc bấm lỗ, đánh dấu số lần vi phạm, đến mức độ nào đó thì sẽ bị tước GPLX.
“Với tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trong đó có lỗi trực tiếp của người điều khiển phương tiện thì việc siết chặt công tác quản lý GPLX là điều cần thiết”, đại tá Sơn nói.
Đề xuất trừ điểm vào giấy phép lái xe được nhiều người đồng tình. |
Ông nhận định việc xử phạt hành chính như hiện nay ngoài kết quả tích cực mang lại thì một số trường hợp còn chưa đủ sức răn đe đối với các tài xế vi phạm. Cần đề xuất trừ điểm trên GPLX đối với chủ phương tiện là rất hợp lý.
Tuy nhiên, việc thực hiện đề xuất phải có lộ trình, ngoài cơ sở vật chất thì cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phải có sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả.
“Bên cạnh việc xử phạt, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để các tài xế hiểu được quy định pháp luật về giao thông, nâng cao lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của họ. Cùng với đó là siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX,…”, đại tá Sơn nhấn mạnh.
Lo ngại tiêu cực gia tăng
Ông Bùi Danh Liên - Hiệp hội Vận tải Hà Nội hoan nghênh việc các cơ quan nhà nước tìm mọi giải pháp để tác động đến các tài xế, nhằm hạn chế vi phạm. Nhưng đề xuất này là một vấn đề mới, tác động đến quyền lợi của nhiều người dân, nhiều loại tài xế (vận tải, hành khách, cá nhân,…) nên cần nghiên cứu thấu đáo, lấy ý kiến rộng rãi.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại tiêu cực sẽ phát sinh trong quá trình áp dụng việc trừ điểm. |
“Từng có quy định cắt ô, bấm lỗ nhưng đều bị bãi bỏ do không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy, nếu áp dụng thì chỉ nên thí điểm trước chứ không nên triển khai đại trà ngay tức khắc”, ông Liên nêu quan điểm.
Vị này cũng cho rằng một vấn đề có thể nảy sinh đó là quá trình xử phạt và trừ điểm có được thực hiện công khai, minh bạch hay không. Và đề xuất đòi hỏi phải được nghiên cứu rất thận trọng, khách quan.
Anh Nguyễn Văn Long - một tài xế taxi tại Hà Nội - cho rằng đề xuất của lãnh đạo Cục CSGT là rất hay, nếu thực hiện được chắc chắn sẽ góp phần nâng cao ý thức của các lái xe.
Tuy nhiên, anh Long bày tỏ sự băn khoăn về việc đề xuất sẽ có lộ trình thực hiện như thế nào, nếu áp dụng thì có cần thay đổi bằng lái xe hay không, kinh phí ra sao…?
Năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng "bấm lỗ".
Theo đó, nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới.
Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Chưa kể những tiêu cực nảy sinh khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách “chạy” bằng lái mới. Đến năm 2007, Nghị định 146 được ban hành chính thức bãi bỏ quy định "bấm lỗ bằng lái".