Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định nồng độ cồn với thông điệp chính “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có kế hoạch về “Tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2018 và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2019”. Nội dung chính gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về nồng độ cồn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; nghiên cứu khoa học; xây dựng các mô hình thí điểm.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an, cho biết thực hiện kế hoạch, trong năm 2018 và quý I/2019, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước sẽ tổ chức ba đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đợt 1 từ ngày 16/4-15/5/2018. Đợt 2 từ ngày 16/8-15/9/2018. Đợt 3 từ ngày 16/12/2018 đến 15/2/2019.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn chủ phương tiện. |
Thời gian tập trung kiểm soát, xử lý từ 12h30-14h và từ 18-21h. Đối với các tuyến liên xã, liên huyện, thời gian tập trung kiểm soát, xử lý từ 10-13h và 17-19h; trong đó tập trung kiểm soát đối tượng là người điều khiển phương tiện ôtô chở khách, ôtô tải chở hàng hóa, xe con; xe môtô, xe gắn máy; đối tượng nam độ tuổi thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi.
Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về nồng độ cồn khi tham gia giao thông; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, cần tạo sự phối hợp, gắn bó chặt chẽ giữa việc tuyên truyền cho người dân với hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
“Cần lên án mạnh mẽ những hành vi chống đối của các đối tượng vi phạm, đặc biệt là việc lợi dụng hành vi chống đối gây kích động, làm ảnh hưởng đến quá trình tuần tra, kiểm soát để người dân hiểu đúng và bảo vệ hoạt động tuần tra, kiểm soát; cũng như có thêm niềm tin vào hoạt động này của các cơ quan bảo vệ pháp luật,” ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Năm 2017, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý hơn 4 triệu trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hơn 350.000 trường hợp, tạm giữ hơn 632.000 phương tiện; trong đó có 159.000 trường hợp (3,9%) vi phạm nồng độ cồn.
Qua phân tích hơn 50.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, có gần 4.000 trường hợp (7,8%) điều khiển xe ôtô vi phạm, hơn 46.000 trường hợp (91,7%) điều khiển xe môtô vi phạm. Một số địa phương đã đạt hiệu quả cao trong triển khai thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Cần Thơ...