Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc Zing.vn về hành động cảnh sát giao thông (CSGT) truy đuổi tài xế hãng taxi Mai Linh sau khi vi phạm luật giao thông đã lái xe bỏ chạy trên đường phố Hà Nội.
Trưa 25/8, tài xế Nguyễn Văn Dũng (31 tuổi) đón khách trên phố ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đi sai làn đường bị CSGT ra tín hiệu dừng phương tiện. Anh này nhấn ga tông gục một cảnh sát và bỏ chạy khắp các phố thuộc quận Hoàn Kiếm. CSGT và nhiều người truy đuổi nhiều km mới dừng được xe.
Tài xế đã bị bắt và sẽ bị xử theo quy định của pháp luật, song vụ việc gây tranh luận về việc cảnh sát có nên truy đuổi xe vi phạm trên nhiều tuyến phố đông người.
“Vì sao CSGT phải đuổi theo người vi phạm giao thông trong khi hình thức phạt nguội được ghi trong luật?”, “Tôi không hiểu sao CSGT lại phải đuổi theo người vi phạm trong trường hợp này?”, hay “Truy đuổi kiểu này thi quá nguy hiểm cho những người xung quanh”... là những câu hỏi được đặt ra.
Bởi ý kiến của nhiều độc giả, trong lúc bị truy đuổi ráo riết, tài xế có thể gây tại nạn. “Nếu xảy ra chết người thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, bạn đọc Mạnh Nguyễn chia sẻ. Thực tế, quá trình bỏ chạy 6-7 km, tài xế đã va quệt với nhiều xe máy khiến người dân la hét, bỏ chạy. May mắn, chưa có ai thương vong.
“Tôi không ủng hộ việc CSGT truy đuổi người và xe vi phạm trên đường phố như thế này. Thứ nhất không hiệu quả, thứ hai tiềm ẩn nguy hiểm cho CSGT và người dân tham gia giao thông. Tài xế sợ bị đánh hội đồng tinh thần sẽ hoảng loạn càng phóng nhanh hơn và có thể dẫn đến tai nạn liên tiếp”, một ý kiến viết trên Zing.vn.
Với quan điểm, xử phạt nguội một người vi phạm giao thông còn hơn chết một người vô tội, một số ý kiến cho rằng CSGT cần linh hoạt xử lý trong những tình huống như trên. Trường hợp phát hiện tội phạm nguy hiểm, CSGT mới cần cương quyết truy đuổi như vậy.
Nhìn nhận vấn đề kỹ lưỡng hơn, độc giả Thành Nam ủng hộ CSGT truy đuổi vì tài xế không chỉ vi phạm giao thông, mà còn còn tông xe trực diện vào cảnh sát. Đây là tội chống đối người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, độc giả này cho rằng, gần 10 người gồm CSGT và người dân tham gia đuổi bắt tài xế taxi trong khoảng 1 - 2 km không được thì nên dừng lại, chuyển sang các biện pháp khác.
“Khi thấy taxi vi phạm có thể gây nguy hại cho những người xung quanh, CSGT cần liên hệ với các đội, nhóm khác hỗ trợ để đón lõng, thay vì truy đuổi xe vi phạm như phim hành động. Vụ việc còn làm mất thời gian của cảnh sát giao thông, vừa gây nguy hiểm cho người đi đường”, độc giả này nhận xét.
Ngoài ra, việc nhiều người dân tham gia truy đuổi cùng CSGT dù có tinh thần giúp người thi hành nhiệm vụ nhưng chính họ cũng không đội mũ bảo hiểm, ném gạch giữa đường... Một số người hiếu kỳ vừa chạy xe, vừa sử dụng điện thoại quay clip cũng gây mất an toàn.
Trao đổi về nguyên nhân CSGT truy đuổi, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, cho biết, thông thường khi người vi phạm có hành vi bỏ chạy, CSGT có thể ghi lại biển số để phạt nguội.
Nhưng trong tình huống này, tài xế Nguyễn Văn Dũng đã cho xe đâm thẳng vào CSGT và bỏ chạy với tốc độ cao trên đường phố. Đây là hành vi rất nguy hiểm tới những người tham gia giao thông. Vì vậy, lực lượng CSGT lập tức truy đuổi đồng thời báo các chốt liền kề để ngăn chặn.
Cũng theo thượng tá Quỹ, CSGT không khuyến khích việc người dân truy đuổi taxi vi phạm, vì có thể dẫn tới tai nạn giao thông. Việc nhiều người dùng gạch, đá ném vào taxi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và chính bản thân họ.
"Có thể do nhiều người bị taxi này va quệt rồi bỏ chạy khiến họ bức xúc muốn truy đuổi để xe này không gây tai nạn thêm với phương tiện khác", thượng tá Quỹ nhận định.