Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng. Đó là đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác. Có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông và bưu chính viễn thông.
Theo Tổng Cục thống kê, CPI tháng 9 năm 2015 giảm do các nguyên nhân: Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 3,17%, góp phần giảm CPI chung của tháng 9 khoảng 0,28%. Ngoài ra, thời tiết chuyển sang mùa thu nên nhu cầu sử dụng điện giảm, làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%...
CPI tháng 9 giảm so với tháng trước. |
Bên cạnh đó, có các yếu tố làm tăng CPI như: Có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí, và nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tăng cho học sinh vào năm học mới tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 1,24%, đóng góp vào CPI chung 0,07%. Giá dịch vụ y tế một số tỉnh được điều chỉnh tăng (theo lộ trình của Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012) làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,5% so với tháng trước….
Trong 10 năm gần đây, đây là lần đầu tiên CPI tháng 9 giảm so với tháng trước. CPI tháng 9 năm 2015 so với tháng 12 cũng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%.
Theo đánh giá của Tổng Cục thống kê thì từ năm 2012 đến nay, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ. Tổng phương tiện thanh toán vẫn giữ tốc độ tăng nhưng ở mức hợp lý hơn giai đoạn trước, nhờ vậy chỉ số lạm phát cơ bản có xu hướng giảm dần và ổn định. 9 tháng đầu năm 2015, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,15% so cùng kỳ.
Hiện tại lạm phát chung thấp hơn lạm phát cơ bản. Điều này không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm. Đó là giá hàng hóa năng lượng và thực phẩm giảm, biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý, chứ không xuất phát từ lạm phát cơ bản. Chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản, và lạm phát cơ bản ở mức 2%-3% như hiện này là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.