Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CPI tại Mỹ giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch

Chỉ số CPI tại Mỹ vừa ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và là mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.

Các nhà đầu tư đang chờ hành động tiếp theo từ Fed khi chỉ số CPI tháng 12/2022 tại Mỹ giảm mạnh. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo mới được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/1, lạm phát tại Mỹ đã khép lại năm 2022 với mức khiêm tốn. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ đầu đại dịch Covid-19.

Theo đó, CPI tháng 12/2022 đã giảm 0,1% so với tháng 11 cùng năm, giống với ước tính trước đó của các chuyên gia được Dow Jones khảo sát. Đây là lần đầu tiên CPI tại Mỹ giảm mạnh ở mức này kể từ tháng 4/2020, thời điểm nền kinh tế số 1 thế giới phong tỏa để chống dịch.

Tính trong cả năm 2022, CPI của quốc gia này vẫn tăng 6,5% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát

Nếu loại bỏ giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động, CPI cốt lõi của Mỹ đã tăng 0,3% so với tháng 11/2022 và 5,7% so với một năm trước đó. Hai mức tăng này cũng sát với dự báo của giới quan sát.

CPI tháng 12/2022 tại Mỹ sụt giảm chủ yếu do giá xăng giảm mạnh 9,4% trong tháng và thấp hơn một năm trước đó 1,5%. Hồi mùa hè năm ngoái, giá mặt hàng này đã vọt lên hơn 5 USD/gallon.

Giá dầu nhiên liệu cũng giảm 16,6%, kéo chỉ số giá của nhóm nhiên liệu giảm 4,5%.

Giá thực phẩm tăng 0,3% trong tháng 12/2022, còn chi phí nhà ở - chiếm 1/3 tỷ trọng trong danh mục hàng hóa và dịch vụ tính CPI - ghi nhận mức tăng 0,8%.

Giá xe đã qua sử dụng tại Mỹ tháng gần nhất đã giảm 2,5% so với tháng 11 cùng năm và 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những động lực chính đẩy lạm phát Mỹ lên cao trong vòng một năm qua.

"Lạm phát đang được kiểm soát nhanh chóng. Rõ ràng, nó vẫn cao một cách khó chịu, nhưng đã đi đúng hướng", ông Mark Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - nhận định.

Phản ứng bất ngờ từ Phố Wall

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm nhẹ dù báo cáo CPI tháng 12/2022 cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Tính đến 9h40 sáng tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 31,82 điểm (-0,09%). Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm lần lượt 5,26 điểm (-0,13%) và 20,44 điểm (-0,19%).

Một phần nguyên nhân là giới đầu tư đã dự báo chính xác về các số liệu lạm phát tháng 12/2022 của Mỹ và điều này đã được phản ánh trên thị giá.

Kết thúc phiên giao dịch 11/1 trước đó, chỉ số Dow Jones tăng thêm 268,9 điểm (+0,8%), lên 33.973,01 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 50,36 điểm (+1,28%) và 189,04 điểm (+1,76%).

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư đã đặt cược vào khả năng lạm phát thậm chí thấp hơn dự báo của giới quan sát. Họ chỉ ra mức tăng trưởng thu nhập thấp bất ngờ trong báo cáo việc làm tháng 12/2022 tại Mỹ. Một số dữ liệu khác cũng phát tín hiệu về xu hướng hạ nhiệt của lạm phát.

lam phat tai My anh 1

Fed sẽ dựa vào các dữ liệu lạm phát để quyết định động thái lãi suất tiếp theo. Ảnh: Reuters.

Những bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết định việc Fed tăng lãi suất tới khi nào. Lãi suất điều hành của Mỹ hiện ở vùng 4,25-4,5%, nhưng ngân hàng trung ương Mỹ dự báo mức lãi suất cuối cùng trong chu kỳ tăng là 5,1%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng dù các tín hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, Fed vẫn sẽ giữ lập trường "diều hâu".

Biên bản cuộc họp gần nhất của cơ quan này cho thấy lập trường chính sách thắt chặt sẽ được duy trì, đến khi các dữ liệu chỉ ra "lạm phát đang giảm bền vững về 2%".

"Fed lo ngại về một cú sốc nguồn cung thứ hai, có thể do Trung Quốc đột ngột từ bỏ chiến lược Zero-Covid hoặc các biến động từ xung đột Nga - Ukraine. Vì thế, họ không muốn tuyên bố chiến thắng quá sớm", bà Diane Swonk - chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG - nhận định.

"Họ đã nói điều này rất nhiều lần nhưng chẳng ai nghe", bà nói thêm.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Giá dầu thế giới tăng mạnh

Giá dầu thế giới vọt lên gần 84 USD/thùng trước báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ. Đà tăng được dự báo còn kéo dài.

USD yếu nhất 8 tháng

USD liên tục suy yếu vì giới đầu tư tin rằng Fed sẽ bớt "diều hâu" hơn trong năm nay. Điều này giúp euro tăng cao nhất so với USD trong 8 tháng.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm