Vào giữa tháng 2, Samsung tổ chức sự kiện lớn ở San Francisco ra mắt dòng Galaxy mới của hãng. Tuần trước, 9to5Mac cho biết những chiếc iPhone được mong đợi nhất trong năm - "iPhone SE" và "iPhone 12" theo cách gọi của các nguồn tin rò rỉ - sẽ sớm được ra mắt.
Nhưng đứng trước thị trường tài chính đang trong trạng thái rơi tự do bởi tác động của Covid-19, doanh số smartphone bán ra chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một khảo sát do Strategy Analytics thực hiện cho thấy gần 40% người Trung Quốc được hỏi sẽ không mua smartphone mới trong thời Covid-19. Ảnh: Nikkei. |
Cuộc suy thoái đặc biệt
Cách ly xã hội đang tác động lớn đến toàn bộ quốc gia trên thế giới. Chỉ riêng ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo đạt mức hai con số. Nền kinh tế Mỹ trở nên tối tăm trong hai quý tiếp theo.
Ngay cả có hồi phục vào cuối năm nay, người dân vẫn sẽ cực kỳ thận trọng trong mua sắm tiêu dùng.
Theo Wired, các chuyên gia phân tích kinh tế cho biết hiện chưa có kết luận chính xác Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng.
Phó Giáo sư Ori Heffetz tại Đại học Cornell, Mỹ cho rằng không giống bất cứ cuộc suy thoái nào diễn ra trước đây, việc người dân phải ở trong nhà đã trở thành nguyên nhân thay đổi tiêu cực nền kinh tế và xã hội thế giới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết trước sức ép của đại dịch, những sản phẩm điện thoại ra mắt trong nửa đầu năm nay vẫn phát triển một cách khá tích cực.
Vì vậy, dù cho nhiều chuỗi cung ứng công nghệ bị phá vỡ, những sự kiện như Hội nghị Di động lớn nhất thế giới MWC 2020 bị hủy bỏ hồi tháng 2, các dòng điện thoại mới vẫn sẽ được xuất xưởng.
Trung Quốc, thị trường sản xuất linh kiện điện thoại lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu quay trở lại dù vẫn còn nhiều hạn chế.
Ryan Reith, phó Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường IDC cho biết các dòng điện thoại thông minh mới vẫn sẽ được ra mắt theo như dự kiến, nhưng lượng tiêu thụ nhất định bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
IDC vẫn chưa công bố dữ liệu về các lô hàng smartphone xuất đi toàn cầu trong quý đầu năm 2020 theo dự kiến vào mỗi tháng 4. Song vào tháng 2/2020, IDC dự báo số lô hàng trong nửa đầu năm 2020 có thể suy giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
CCS Insight dự báo doanh số bán điện thoại trong năm 2020 sẽ thấp chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Ảnh: Cnet. |
Ông Reith cho biết sự suy giảm trong tiêu dùng cũng đã bắt đầu xuất hiện, đặc biệt ở thị trường điện thoại lớn nhất thế giới Trung Quốc. Ông ước tính sức mua điện thoại ở nước này đã giảm 40% trong tháng một, thậm chí là 60% trong tháng 2.
Theo Bank of America, người dân đang bị ảnh hưởng khá nhiều từ đại dịch Covid-19. Trong tháng 3, chi tiêu cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân giảm mạnh.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang St.Louis ước tính tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt lên mức 32% trong quý II năm nay. Bank of America cũng dự đoán mức thất nghiệp đạt 15,6%.
Giảm thuế, mở rộng trợ cấp thất nghiệp và đưa ra các gói kích thích kinh tế có thể phần nào hỗ trợ thu nhập dành cho người dân. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để khôi phục khả năng kinh tế cũng như tư duy tiêu dùng của mọi người.
Giáo sư Heffetz cho biết mặt hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng đầu tiên trong thời kỳ suy thoái chính là những món đồ điện tử như smartphone.
Apple và Samsung sẽ như thế nào?
Các nhà phân tích dự đoán nhu cầu mua smartphone suy giảm sẽ ảnh hưởng đến những ông lớn như Apple hay Samsung. Tuy vậy, Apple vẫn cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng nhất định, trong khi Samsung vẫn giữ vị trí là nhà sản xuất điện thoại số một thế giới.
Nhà phân tích kiêm sáng lập Moor Insight & Strategy Pat Moorhead và cả Reith của IDC đều tin rằng Apple sẽ đứng vững trước thời kỳ suy thoái.
Nhưng Samsung hay các hãng điện thoại như Huawei, Xiaomi sẽ nhỉnh hơn Apple về doanh số bán ra bởi chính sách kích thích tiêu dùng của những thương hiệu này.
Nhiều chuyên gia vẫn tin rằng các hãng smartphone sẽ đứng vững sau thời suy thoái. Ảnh: Mercopress. |
Theo Reith, dòng Galaxy S20 của Samsung đã có dấu hiệu giảm giá đáng kể. Các dòng điện thoại Android ít nhiều cũng có thay đổi về giá bán ra để kích cầu.
Neil Cybart, người sáng lập Inside Avalon kiêm chuyên gia phân tích Apple cho biết nếu làm việc tại nhà trở thành xu hướng chính trong nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu cung cấp thiết bị cho nhân viên sẽ rất có lợi cho những công ty như Apple.
Ông cũng nhận định tình hình suy thoái tiếp diễn có thể khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm của mình bằng việc mua những mặt hàng có chất lượng cao, hay giá cao hơn vì suy nghĩ tuổi thọ của nó sẽ kéo dài lâu hơn.