Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Covid-19 phô bày sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu

Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng thế giới lao đao vì các nhà máy Trung Quốc không thể tiếp tục hoạt động, thế giới nhận ra rằng họ đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Lãnh đạo một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã kêu gọi và đưa ra kế hoạch để nền kinh tế nước mình bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó có việc chuyển nhà máy sang những nơi khác.

Nhật Bản đã dành khoảng 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến nước khác. Các quan chức Mỹ cũng đang thảo luận về việc phân bổ 25 tỷ USD để thúc đẩy các công ty Mỹ dịch chuyển dây chuyền sản xuất hoặc các chuỗi cung ứng quan trọng ra ngoài Trung Quốc.

Trao đổi với Zing, ông Trent Davies, quản lý tại TP.HCM của công ty tư vấn Hong Kong Dezan Shira & Associates có trụ sở khắp châu Á, cho rằng các quốc gia ASEAN là điểm đến phù hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng này. Trong đó, Việt Nam cần nhanh chóng tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư và xây dựng môi trường đầu tư trong nước ổn định để tận dụng tốt cơ hội này.

Những năm qua, Việt Nam đã nhận được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 của Việt Nam đạt gần 517 tỷ USD, tăng 7,6% so năm 2018. Đây là lần đầu con số này vượt ngưỡng 500 tỷ USD.

- Hong Kong Dezan Shira & Associates đã bắt được tín hiệu gì của sự dịch chuyển nhà máy? Chúng ta có con số nào không?

- Khó để đưa ra con số chính xác. Vài năm qua, công ty nước ngoài có nhà máy ở Trung Quốc luôn tìm kiếm phương án thay thế vì chi phí sản xuất, nhất là chi phí lao động, ở Trung Quốc liên tục tăng. Khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra năm 2018, việc xuất khẩu hàng sang Mỹ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khiến phần lớn các công ty bắt đầu xem xét việc dời quy trình sản xuất của mình khỏi Trung Quốc.

Đến lúc dịch Covid-19 bùng phát, số lao động thất nghiệp cũng tăng. Người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm có giá thành thấp hơn. Nhà sản xuất cũng vậy. Họ sẽ muốn quản lý chi phí theo cách hiệu quả nhất trong thời điểm khó khăn.

doi nha may khoi Trung Quoc anh 1

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tuần trước. Ảnh: Reuters.

Đại dịch cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Những nhà đầu tư nước ngoài nhận ra sự mạo hiểm của việc để mọi nhà máy của họ ở cùng một chỗ. Do đó, họ cần giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa sản xuất.

Đây là xu hướng rất phổ biến ở thời điểm hiện tại. Các nhà đầu tư nước ngoài nói về “chiến lược Trung Quốc cộng một” thường xuyên hơn. Tức là, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc, đồng thời xây thêm nhà máy ở quốc gia khác.

Làm như vậy, các công ty vừa tận dụng được nguồn lao động giá rẻ, vừa có thể tiếp tục sử dụng những thứ họ hiện có ở Trung Quốc, vừa có thể tiếp cận thị trường mới. Một trong những nơi có tiềm năng lớn thay thế cho Trung Quốc là khu vực Đông Nam Á. Nếu nhà đầu tư dời nhà máy tới các quốc gia thành viên của ASEAN, họ vẫn sẽ tiếp tục có nhà máy ở gần Trung Quốc.

Năng suất lao động của Việt Nam chưa cao

- Những ưu điểm và bất lợi của các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, trong việc trở thành nơi đặt nhà máy là gì?

- Tôi nghĩ các quốc gia ASEAN đều có lợi thế giống nhau và lợi thế, đó chính là nguồn nhân công giá rẻ cùng với vị trí gần Trung Quốc. Việt Nam vừa có nhân công giá rẻ, vừa là quốc gia thành viên ASEAN gần Trung Quốc nhất. Như các quốc gia khác, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khu vực khác nhau.

Tình hình chính trị Việt Nam vô cùng ổn định. Chính phủ Việt Nam cũng tích cực và cởi mở trong việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài, liên tục cải thiện những quy định, luật lệ về đầu tư nước ngoài để các doanh nghiệp dễ dàng hoạt động hơn.

Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang cố gắng khắc phục một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng.

doi nha may khoi Trung Quoc anh 2

Công nhân sản xuất pin ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đạt 7,02%. Con số này rất ấn tượng.

Việt Nam là một lựa chọn thay thế có vẻ khá toàn diện (cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa nguồn cung ứng).

Ông Trent Davies, công ty tư vấn Hong Kong Dezan Shira & Associates

Các nhà đầu tư không chỉ hưởng lợi từ vị trí địa lý gần Trung Quốc mà còn vì Việt Nam có đường biển dài có thể kết nối với nhiều tuyến vận tải hàng hải quan trọng. Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam tốt. Dù không tốt như quốc gia có tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức như Philippines, nhưng trình độ ngoại ngữ thế này là khá ổn so với hầu hết nơi khác để việc kinh doanh trơn tru.

Tôi nghĩ trở ngại lớn nhất của Việt Nam là một số vấn đề về cơ sở hạ tầng. Chuỗi cung ứng ở đây cũng không phát triển mạnh như ở Trung Quốc. Và mặc dù nhân công giá rẻ hơn, năng suất lao động của nhân công Việt Nam không phải lúc nào cũng đạt mức như ở Trung Quốc.

Nhưng theo tôi, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc giải quyết một số vấn đề trên. Việt Nam là một lựa chọn thay thế có vẻ khá toàn diện.

- Các doanh nghiệp ở mảng nào có thể trở thành "mục tiêu" để chào đón?

- Thống kê FDI của Đông Nam Á và Việt Nam cho thấy lĩnh vực nhận được đầu tư cao nhất là ngành công nghiệp chế biến và sản xuất. Đây cũng là hai ngành công nghiệp sẽ tiếp tục nhận thêm đầu tư nước ngoài.

Tôi nghĩ sắp tới còn có thêm ngành công nghiệp năng lượng vì chính phủ Việt Nam đang rất tập trung vào năng lượng tái tạo. Chúng tôi đã thấy một số doanh nghiệp hứng thú với ngành năng lượng gió ở Việt Nam.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng sẽ tăng. Tôi nghĩ đầu tư ở các lĩnh vực như bất động sản, giáo dục, dịch vụ, hàng tiêu dùng cũng sẽ tăng.

Nhà đầu tư muốn cảm giác an toàn

- Ông là người làm việc thường xuyên với các doanh nghiệp nước ngoài khi họ tính toán mở rộng nhà xưởng. Họ thường mong muốn gì?

- Các nhà đầu tư thường mong muốn đầu tư vào nơi có các quy định, luật lệ về đầu tư dễ hiểu và rõ ràng. Họ cũng muốn quốc gia đó đưa ra quy định rõ ràng về thuế.

Các nhà đầu tư nước ngoài muốn có được cảm giác an toàn trong đầu tư dài hạn.

Ông Trent Davies, công ty tư vấn Hong Kong Dezan Shira & Associates

Các nhà đầu tư nước ngoài muốn có được cảm giác an toàn trong đầu tư dài hạn. Họ muốn biết liệu môi trường đầu tư có thay đổi đột ngột và họ có được bảo vệ hay không.

Họ cũng muốn chính phủ giải quyết những vấn đề như quan liêu, tham nhũng và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Họ mong chính phủ đầu tư vào những thứ như cơ sở hạ tầng quan trọng với việc sản xuất như đường sá, cầu cống và cảng nước sâu.

- Việt Nam đã đáp ứng được kỳ vọng đó chưa?

Tôi tin Việt Nam đã đáp ứng được những điều trên. Chính phủ Việt Nam liên tục xem xét và giải quyết các vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ. Việt Nam ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do và mới đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết cũng giúp bảo vệ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư nước ngoài.

- Việt Nam có thể làm gì thêm để tận dụng xu hướng này?

- Các thách thức với nhà đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đưa đến cơ hội cho những doanh nghiệp Việt Nam. Chuỗi cung ứng Việt Nam chưa được phát triển tốt. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chen vào khoảng trống và trở thành nhà cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài lớn, có thể là trong các lĩnh vực như điện tử.

doi nha may khoi Trung Quoc anh 3

Ông Trent Davies, quản lý đội ngũ tư vấn kinh doanh quốc tế tại TP.HCM của công ty tư vấn Hong Kong Dezan Shira & Associates. Ảnh: NVCC.

Samsung đã đặt nhà máy ở Việt Nam và mới đây, Apple cũng công bố dự định sản xuất ở Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm được vị trí trong chuỗi cung ứng, họ có thể đón được xu hướng này và giúp Việt Nam chuyển từ địa điểm sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang vị trí có giá trị gia tăng cao hơn.

Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư và cung cấp thêm các ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, chính phủ cũng cần đầu tư thêm vào giáo dục và đào tạo nghề. Một trong những điều mà nhà đầu tư lo ngại là chi phí lao động rẻ nhưng chi phí này có thể tăng lên nhanh chóng và áp đảo năng suất lao động mà họ được hưởng. Các công ty muốn tận dụng nhân công giá rẻ nhưng họ cũng quan tâm về việc liệu năng suất lao động có tăng lên vào những năm tới hay không.

Vì vậy, phát triển giáo dục khá quan trọng. Nhờ việc cải thiện giáo dục, các ngành phụ trợ khác cũng sẽ phát triển theo.

Xin cám ơn ông.

Nhu cầu mua hàng xa xỉ không suy giảm giữa đại dịch

Nhiều cửa hàng bán đồ xa xỉ phải đóng cửa trong đại dịch Covid-19. Tuy vậy, nhu cầu đối với những món hàng này không hề suy giảm.

Giữa dịch bệnh, thịt dơi và thú hoang vẫn đầy chợ tại Indonesia

Những khu chợ bán thịt động vật hoang dã ở Indonesia như "nơi cung cấp mầm bệnh từ động vật", nhưng các nhà quản lý thừa nhận sẽ rất khó để đóng cửa hoàn toàn những nơi này.

Như Trần (Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm