Các dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi Trung Quốc ở Djibouti gây lo ngại cho Washington, rằng quốc gia Đông Phi nhỏ bé này đang rơi vào bẫy nợ, cho phép Bắc Kinh củng cố ảnh hưởng của họ ở châu Phi.
Việc virus corona lan rộng ở khu vực Sừng châu Phi, gánh nặng tài chính của các nước trong khu vực có thể tăng lên, khiến họ bị cuốn vào khủng hoảng tài chính và trở thành con nợ, Nikkei Asia Review cho biết.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Djibouti có 1.008 ca nhiễm Covid-19, tăng mạnh so với con số 30 ca nhiễm vào tháng trước. Quân đội Mỹ đồn trú tại quốc gia này đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 23/4.
Djibouti có vị trí đắc địa ở phía tây Vịnh Aden và cửa ngõ phía nam của Biển Đỏ, ở đầu kia là kênh đào Suez. Quốc gia này nhìn ra tuyến vận tải biển nhộn nhịp hàng đầu thế giới, với hơn 20.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm.
Do vị trí đắc địa, Djibouti được chú ý bởi toàn cầu, khi quân đội các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản xây dựng căn cứ ở đây để chống cướp biển.
Nợ Trung Quốc tăng 70%
Đặc biệt là Trung Quốc rất mong muốn thúc đẩy xây dựng đường bộ, cảng ở Djibouti, định vị quốc gia này trong tuyến đường của sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn đầu.
Nhân viên người Trung Quốc nắm các vị trí chủ chốt trong tuyến đường sắt nối Djibouti và Ethiopia. Ảnh: Nikkei. |
Điển hình là dự án Khu thương mại tự do quốc tế Djibouti (DIFTZ), một dự án trị giá 3,5 tỷ USD do Trung Quốc hợp tác với chính phủ Djibouti thực hiện. Lối vào dự án với cổng lớn màu vàng treo cờ Trung Quốc.
Dự án trải dài trong diện tích 48 km2 đã hoàn thành một phần. Trong chuyến thăm của các phóng viên trước khi đại dịch bùng phát, công nhân người Trung Quốc và Djibouti bận rộn trên các công trường, nơi tòa nhà cao tầng và khách sạn đang được xây dựng. Nhiều bảng hiệu tên công ty viết bằng tiếng Trung Quốc.
Năm 2016, một tuyến đường sắt mới được hoàn thành dài 750 km, kết nối DIFTZ với vùng ngoại ô thủ đô Addis Ababa của Ethiopia trong thời gian 13 giờ.
Dự án có chi phí 4 tỷ USD được tài trợ chủ yếu bởi Trung Quốc. Dù tuyến đường sắt này đang chuyên chở hành khách, nhưng trong tương lai sẽ bổ sung việc vận chuyển hàng hóa.
Tại ga Nagad, ga cuối của tuyến đường sắt ở Djibouti, người Trung Quốc bán vé trong khi màn hình hiển thị thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Đồng hồ trên tường cũng là một thương hiệu Trung Quốc, mang đến cho nhà ga một không gian rất Trung Quốc.
Bên ngoài nhà ga, cờ Trung Quốc được treo ở giữa cờ Djibouti và Ethiopia. Sau khi chuyến tàu rời ga, nhân viên nhà ga người Trung Quốc và Djibouti vẫy tay chào hành khách. Trưởng tàu và nhân viên kiểm soát là người Trung Quốc.
“Tuyến đường sắt này rất thuận tiện, vì chúng tôi có thể đi đến Ethiopia rẻ hơn so với đi máy bay”, một nữ nha sĩ người Djibouti nói.
Nhưng khi Trung Quốc giúp xây dựng đường sắt và cải thiện cơ sở hạ tầng, nợ của Djibouti với Trung Quốc đã tăng lên hơn 70% tổng sản phẩm quốc nội. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 có thể tác động tiêu cực đến ngân sách, dẫn đến nhu cầu gia tăng không ngừng về chăm sóc sức khỏe và việc làm dẫn đến thiếu tiền mặt.
Hôm 2/4, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá 5 triệu USD cho các quốc gia thiếu tiền mặt để ứng phó với đại dịch.
Djibouti có thể là nước tiếp theo rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc vì nợ nần sau đại dịch này.
Năm 2017, Sri Lanka cũng mắc nợ Trung Quốc rất nhiều tiền, cuối cùng phải đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược trong 99 năm để trả nợ.
Nhiều tham vọng trong tương lai
Giới phân tích cho rằng còn nhiều tham vọng ẩn sau khu phức hợp DIFTZ. Bên trong khu vực này có một căn cứ quân sự của Trung Quốc. Sáng kiến cầu và đường, được quảng cáo công khai là con đường tơ lụa hiện đại cho thương mại toàn cầu, cũng đang đặt nền móng cho tham vọng quân sự của Trung Quốc.
Đối với một quân đội đang có khát vọng toàn cầu, không có mắt xích nào tốt hơn Djibouti, Nikkei Asia Review nhận định.
“Djibouti là một mắt xích quan trọng trong Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuyến đường sắt này sẽ trở thành điểm xuất phát của vận chuyển hàng hóa trên khắp châu Phi”, Niu Zengxiang, một quan chức hàng đầu của công ty kỹ thuật xây dựng Trung Quốc tại Djibouti nói.
Trung Quốc đã thành lập một căn cứ quân sự ở Djibouti. Ảnh: AFP. |
Trong văn phòng công ty này ở Djibouti, các nhân viên người Trung Quốc với độ tuổi từ 20-30 đi lại và tổ chức các cuộc thảo luận sôi nổi trong phòng họp, tạo ra bầu không khí như các công ty khởi nghiệp.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang gửi các nhân viên trẻ triển vọng đến địa điểm chiến lược này để học hỏi vận hành đường sắt, khi đào tạo họ trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.
Mỹ cũng có một căn cứ ở Djibouti, rất lâu trước khi Trung Quốc thành lập căn cứ đầu tiên ở đây đang trở nên lo lắng với tốc độ xây dựng cầu, đường của Trung Quốc ở quốc gia này.
Sự đầu tư của Trung Quốc vào Djibouti còn tạo ra một vấn đề đáng báo động khác, đó là chính phủ nước này sẵn sàng xé bỏ các thỏa thuận cũ để ưu tiên cho Trung Quốc. Đơn cử là trường hợp của DP World.
Năm 2004, nhà khai thác cảng biển có trụ sở tại Dubai, UAE đã ký thỏa thuận với chính phủ Djibouti về việc khai thác cảng Doraleh trong 25 năm. Tuy nhiên vào tháng 1/2018, Djibouti đơn phương chấm dứt thỏa thuận, quốc hữu hóa cảng và chuyển nhượng 20% cổ phần cho China Merchants Holding.
Chính phủ Djibouti đã cấp quyền cho China Merchants Holding vận hành cảng container Doraleh để đổi lấy các khoản vay từ Trung Quốc. DP World đã đưa vụ việc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế London.
Vào tháng 1, tòa ra phán quyết yêu cầu Djibouti trả lại quyền khai thác cảng cho DP World, nhưng chính phủ nước này từ chối. Tranh chấp giữa các bên dự kiến còn kéo dài.