Will Murrell hy vọng sẽ tốt nghiệp vào mùa hè này tại một trường đại học ở London (Anh). Để trang trải cuộc sống trong thời gian học tập, Murrell muốn tìm một công việc bán thời gian ở các tiệm tạp hoá.
Tomas Mier cũng có nhiều dự định sau khi kết thúc kỳ học cuối ở ĐH Nam California (Mỹ). Cậu sinh viên gốc Mexico hy vọng sẽ hoàn thành kỳ thực tập và lên bục nhận bằng tốt nghiệp trước sự chứng kiến của gia đình.
Thế rồi đại dịch bất ngờ bùng phát tại Anh và Mỹ, khiến mọi kế hoạch của Murrell và Mier phải tạm thời gác lại. “Trường học đóng cửa, việc làm trở nên khan hiếm. Tôi không thể làm gì khác”, Murrell chia sẻ với CNN.
Murrell và Mier đều là những thanh niên thuộc thế hệ Z, thuật ngữ chỉ những người sinh năm 1996 đến 2010. Lớp thanh niên đời đầu của thế hệ Z đang chuẩn bị tham gia vào một thị trường lao động chịu nhiều thiệt hại vì dịch Covid-19.
Viễn cảnh ảm đạm
Đại dịch toàn cầu cướp đi sinh mạng của nhiều người lớn tuổi, song ảnh hưởng về kinh tế của nó lại khiến những người trẻ tuổi “điêu đứng”.
Bộ Lao động Mỹ thống kê hơn 17 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong thời dịch. Ảnh: AP. |
Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng thế hệ Z có nguy cơ mất việc làm do các quy định giãn cách xã hội sau thời dịch. Theo phân tích của Resolution Foundation, đại dịch còn có tác động lâu dài đối với triển vọng nghề nghiệp và thu nhập của người trẻ.
Tại Anh, Ngân hàng Trung ương (BoE) hôm 7/5 cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi xuống mức thấp nhất trong 300 năm trở lại đây do các biện pháp phong toả chống dịch. Cụ thể, sản lượng kinh tế sẽ giảm 14% trong khi tỉ lệ thất nghiệp lên đến 9% trong năm nay.
Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm người trong độ tuổi 18-24 có thể đạt mức 27%, tăng 10,5% so với năm ngoái. Con số này đồng nghĩa với việc có thêm 64.000 lao động trẻ thất nghiệp trong năm nay.
Thị trường việc làm tại Mỹ cũng khá ảm đạm. Bộ Lao động thống kê hơn 17 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này. Giới chuyên gia dự đoán tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên mức 20% trong vài tháng tới.
Trong bối cảnh này, khoảng 1,3 triệu sinh viên Mỹ sẽ gia nhập thị trường lao động. Theo một số tính toán, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trẻ 16-24 tuổi sau đại dịch có thể cao gấp đôi số liệu này trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Điều kiện khó khăn
Giáo sư Till von Wachter, chuyên gia nghiên cứu về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường, cho biết sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế vừa phải đối diện với tỉ lệ thất nghiệp cao, vừa phải bắt đầu sự nghiệp với điều kiện bất lợi hơn so với thế hệ đi trước.
Ông von Wachter nhận định thế hệ Z sẽ phải nhận mức lương khởi điểm thấp do các công ty, doanh nghiệp đều chịu thiệt hại của dịch Covid-19. Yếu tố ngoại cảnh này cũng khiến cơ hội thăng tiến của người trẻ bị đình trệ.
Kelty Stanton vẫn cảm thấy lo lắng dù mới được đi làm trở lại ở một tiệm tạp hoá tại New Jersey. Ảnh: The New York Times. |
Những điều kể trên có thể khiến tốc độ làm giàu của người trẻ chậm hơn 10 năm so với những thế hệ khác. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng mang đến một môi trường làm việc đầy rủi ro, căng thẳng.
“Người trẻ có nguy cơ suy giảm sức khoẻ và tỉ lệ tử vong vì dịch bệnh cao hơn những người khác”, ông Till von Wachter cho biết.
Tìm kiếm giải pháp
“Những người trẻ rất cần sự giúp đỡ từ chính phủ trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính do Covid-19”, Reid Cramer của Quỹ New America nhận định. Ông cho rằng chính sách công nên giải quyết được các khoản nợ của nhóm đối tượng này.
Thế hệ Z tại Anh có nguy cơ đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp 27%. Ảnh: Getty Images. |
Chính sách nhà ở tại Anh cũng hướng đến mục tiêu tương tự trong bối cảnh tỉ lệ người trẻ có khả năng mua nhà giảm đáng kể. Chủ tịch trung tâm nghiên cứu chính sách Chatham House, ông Jim O’neil, mong chính phủ sẽ cung cấp thêm nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ cho người dân.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng thế hệ Z phải không ngừng thay đổi và phát triển bản thân để kịp thời thích ứng với thời cuộc. Giáo sư Till von Wachter cho rằng bối cảnh thị trường biến động đòi hỏi sinh viên phải linh hoạt hơn nếu muốn giữ việc làm hoặc kiếm được việc làm.
“Họ có thể làm trái ngành hoặc chuyển tới những thành phố có cơ hội việc làm tốt hơn”, ông Till von Wachter đưa ra lời khuyên. Cũng theo ông này, khu vực xung quanh vùng vịnh San Francisco sẽ là “vùng đất hứa” với lợi thế là trung tâm công nghệ của Mỹ.
Cả Mỹ và Anh đều đang đứng trước “bài toán kép”: vừa mở cửa nền kinh tế, vừa chống dịch Covid-19.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang liên tục tung ra nhiều biện pháp để hồi sức khẩn cấp nền kinh tế sau đại dịch, bao gồm các chương trình tín dụng với tổng trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và thị trường tài chính.
Chính phủ Anh cũng tung ra nhiều gói giải cứu, gồm hỗ trợ các khoản vay không lãi suất trong tối đa 12 tháng. Nước này đang trả lương cho 7,5 triệu lao động theo chương trình duy trì việc làm, một chương trình mới được gia hạn đến cuối tháng 10.