Mùa xuân năm ngoái, trong khi người tiêu dùng lo lắng về cách vệ sinh như thế nào sau khi đi đại tiện, các nhà khoa học phát hiện những người nhiễm virus Covid-19 thải ra chất di truyền của con virus này trong phân của họ.
Hệ thống xử lý chất thải hơn 100 năm nay quá cũ kỹ
Trên thực tế, các hệ thống nhà vệ sinh góp một phần vào giữ gìn sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, công nghệ cốt lõi trong hệ thống nhà vệ sinh đã tồn tại hơn 100 năm nay, khi loài người chưa phải đối mặt với những thách thức như hiện nay. Trên hết, nhiều bộ phận, trang bị trong lòng đất đang đạt ngưỡng tuổi thọ và bắt đầu hỏng hóc do thiếu đầu tư vào bảo trì, bảo dưỡng.
Năm nay, Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ đã chấm điểm D+ cho cơ sở hạ tầng xử lý nước thải của nước này. Theo đó, có quá nhiều rác thải xung quanh, điều này tạo ra mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Hệ thống xử lý chất thải hơn 100 năm nay quá cũ kỹ. Ảnh minh họa. |
Theo Wired, bằng chứng về hệ thống xử lý chất thải đang xuống cấp hiện hữu xung quanh môi trường sống của con người.
Trong khi được xem là một thiết kế sai sót, hệ thống cống kết hợp vẫn phổ biến ở nhiều thành phố lâu đời. Nước thải trong cống tràn ra ngoài khi trời mưa, giải phóng các mầm bệnh tiềm ẩn đi vào đường nước sinh hoạt; rác thải, chất dinh dưỡng, hóa chất và dược phẩm lọt vào hệ thống cống rãnh.
Các bể tự hoại xuống cấp làm ô nhiễm đất và nước ngầm. Khăn ướt và các loại rác thải có xu hướng tăng mạnh kể từ khi đại dịch bùng phát, gây ra tắc nghẽn nặng khiến nước thải ứ đọng, không chảy đi.
Các thiên tai xảy ra do biến đổi khí hậu khiến cho các hệ thống thoát nước quá tải. Trong năm qua, lũ lụt lớn từ Tennessee đến Australia đã khiến người dân ngập trong nước thải ô nhiễm.
Vào tháng 8, một loạt sự cố mất điện trong đợt nắng nóng lớn ở California đã khiến một nhà máy xử lý nước thải đổ gần 189.270 lít nước thải thô và nước thải đã qua xử lý một phần ra cửa sông Oakland.
Tháng 2/2021, thời tiết ở Texas vẫn tiếp tục lạnh giá, người dân không thể tắm và sưởi ấm trong nhiều ngày; một xe tải của bệnh viện đã đổ nước vào chỉ để xả nhà vệ sinh. Các tù nhân phải chịu đựng những ngày tháng bẩn thỉu trong nhà tù ở Texas.
Ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng
Các hệ thống xử lý nước thải thông thường không chỉ xuống cấp mà còn nhiều thiếu thốn. Hơn một nửa dân số thế giới không được trang bị hệ thống cầu tiêu an toàn để xử lý các chất thải.
Theo thống kế của US Water Alliance, ước tính có 2 triệu người Mỹ không có hệ thống ống nước hoàn chỉnh, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe gây ra bệnh ngoài da như phát ban, các bệnh về đường ruột như tiêu chảy, giun móc... và nhiều khó khăn khác.
Cô Pamela Rush, nhà hoạt động đến từ vùng quê Alabama, đã chia sẻ câu chuyện của mình về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bên cạnh những bãi nước thải thô, giống như bao người dân nghèo khác ở Mỹ, đa phần là người da đen. Những người này đôi khi bị phạt và truy tố hình sự vì không đủ khả năng chi trả cho chi phí hút bể phốt hoặc bảo trì.
Không được trang bị hệ thống ống nước hoàn chỉnh có thể trực tiếp gây ra bệnh về ngoài da như phát ban. Ảnh minh họa. |
Bi kịch hơn, cô Pamela còn trở thành một trong những nạn nhân của đại dịch Covid-19.
"Nguyên nhân chính gây ra cái chết là virus corona, nhưng những nguyên nhân đằng sau mà cô ấy phải chịu đựng là sự nghèo khó, sự bất công về môi trường sống, biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc và sự chênh lệch về sức khỏe", cô Catherine Coleman Flowers, nhà hoạt động công bằng về môi trường cho biết. Catherine cũng là bạn của cô Pamela.
Với những người không có nhà vệ sinh riêng, lệnh đóng cửa khiến các nhà vệ sinh công cộng trở nên khó tìm hơn bình thường. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến những người dân vô gia cư, người mắc bệnh rối loạn đường ruột và các bệnh khác.
Ở một số khu ổ chuột trong các thành phố đang phát triển, những khu vệ sinh chung thường mở cửa, nhưng lệnh giãn cách xã hội vô tình khiến vấn đề trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Không chỉ cơ sở hạ tầng xử lý nước thải đang xuống cấp hoặc gặp nhiều rủi ro, lực lượng lao công cũng vậy. Ở Mỹ, lĩnh vực này đang đối mặt với làn sóng nghỉ hưu, thậm chí còn được xem là "cơn sóng thần bạc".
Khi đại dịch mới bắt đầu, một số ngành xử lý nước thải lo sợ mất đi các công nhân lớn tuổi khó thay thế và quan trọng vì bệnh tật hoặc tệ hơn. Họ đã đóng cửa các cơ sở cùng với công nhân làm việc theo ca kéo dài cả tuần lễ để virus không thể xâm nhập.
Ở Ấn Độ, những lao công vệ sinh cống rãnh đã kiến nghị chính phủ cung cấp các thiết bị bảo vệ cá nhân đơn giản để họ có thể tiếp tục làm việc.
Giải pháp
Theo Wired, để giải quyết vấn đề về chất thải, việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng là chưa đủ, mà cần phải áp dụng nhiều cải tiến mới, khuyến khích áp dụng phương pháp mới. Điều này giúp hệ thống nhà vệ sinh hoạt động tốt hơn, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, bền hơn và hợp lý hơn.
Để thực hiện được điều này, nhà nước và chính phủ địa phương cần có đủ quỹ và các chính sách về công trình công cộng mới để tạo ra động lực cải tạo.
Khi đó, ở những nơi có cơ sở hạ tầng tập trung ổn định, các thành phố có thể sử dụng cả công cụ mới và đã thiết lập để khai thác nước thải cho nhiệt, nước, chất dinh dưỡng, hóa chất và kim loại quý, cũng như khí sinh học và các dạng nhiên liệu.
Các cảm biến kỹ thuật số giúp hệ thống xử lý nước thải vượt mức sử dụng đường ống thông minh hơn và giảm sự cố tràn. Cách lặp đặt mới có thể đẩy giấy vệ sinh đã qua sử dụng ra khỏi dòng nước thải trước khi được xử lý và tái chế thành xenlulose. Chất này là nguyên liệu thô có thể ứng dụng rộng rãi, thậm chí dùng để làm hóa chất công nghiệp.
Với các công cụ phù hợp, ngay cả những khối rác lớn làm tắc nghẽn cống rãnh có thể biến thành nhiên liệu sinh học nhờ các lớp dầu mỡ bám bên trong.
Bên cạnh đó, còn có nhiều phát minh mới triệt để hơn đối với đường ống. Các hệ thống phân bố rải rác xử lý chất thải nhà vệ sinh và tái sử dụng nước trong tòa nhà hoặc cộng đồng đang phát triển nhanh chóng. Các doanh nghiệp, dịch vụ vệ sinh bằng xe container cung cấp dịch vụ vệ sinh thường xuyên.
Dãy nhà vệ sinh công cộng ở Nam Phi. Ảnh: Alamy Stock Photo. |
Các nhà vệ sinh "chuyển hướng nước tiểu" giúp tách nước tiểu có chất dinh dưỡng cao, ít mầm bệnh khỏi phân và nước. Chúng hoạt động như thùng rác tái chế hơn là thùng rác.
Những đổi mới này phù hợp hơn trong những bối cảnh khắc nghiệt và chống chịu tốt hơn khi xảy ra những hậu quả nghiêm trọng. Chúng làm giảm thiểu tác động đến khí hậu, ít gây ô nhiễm và sản sinh các nguồn tài nguyên như nước sạch, phân trộn, nhiên liệu, thậm chí là protein côn trùng.
Chúng có thể tạo ra dòng doanh thu và cung cấp các công việc vệ sinh an toàn, được trả lương cao, thu hút nhân lực trẻ, những người có tinh thần bảo vệ môi trường và đa dạng nhân công.
Nhiều ý tưởng trên đang trong giai đoạn thử nghiệm. Để biến những ý tưởng này thành thực tế áp dụng quy mô lớn hơn, cần có thêm nhiều đầu tư và chính sách hỗ trợ của nhà nước, thu hút những người sẵn sàng vượt qua khó khăn để sớm áp dụng các công nghệ cải tiến hệ thống nhà vệ sinh.
Ngoài ra, còn có những đổi mới khác như xử lý các chất thải di truyền virus corona trong phân người. Các nhà khoa học trên thế giới đã và đang phân tích nước thải và cung cấp phản hồi cho các chuyên gia y tế công cộng và các nhà hoạch định chính sách về các đợt bùng phát dịch, xu hướng mới và ảnh hưởng của các quy tắc và hạn chế.
Các nhà đổi mới cũng đang thử nghiệm những ý tưởng mới cho nhà vệ sinh công cộng, giúp chúng trở nên phổ biến hơn với mọi người.
Ở Pune, Ấn Độ, ý tưởng xây dựng nhà vệ sinh nữ công cộng trên xe buýt tái sử dụng, kèm theo dịch vụ cửa hàng và quán cà phê nhỏ giúp giảm chi phí sử dụng nhà vệ sinh.
Một số thành phố đã thực hiện hoặc đang xem xét việc trả một khoản phí nhỏ cho các quán cà phê, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh để cung cấp dịch vụ nhà vệ sinh công cộng. Thay vào đó, các doanh nghiệp được quảng cáo miễn phí và được xem như đang thực hiện một dịch vụ công cộng.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy một cái nhìn sâu sắc hơn về hệ thống xử lý chất thải nhà vệ sinh: Đây không chỉ là công nghệ mà còn là đặc quyền của con người.
Theo Wired, việc đầu tư vào hệ thống thoát nước không chỉ giúp nâng cấp các hệ thống cũ và mở rộng chất lượng vệ sinh an toàn cho mọi người, mà còn tránh bị thiệt hại thêm do các đợt bùng phát dịch bệnh và thảm họa môi trường trong tương lai.