Theo nhật báo hàng đầu nước Mỹ, giới chuyên gia y tế nước này dự đoán sẽ nhiều người Mỹ mắc các triệu chứng bệnh cúm sẽ không dám đi xét nghiệm bởi họ không có bảo hiểm y tế hoặc e ngại nguy cơ phải trả chi phí quá lớn.
Do đó, nguy cơ dịch virus corona chủng mới lây lan tại Mỹ là rất lớn, bởi xét nghiệm người nghi nhiễm và cách ly họ là biện pháp cực kỳ quan trọng nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong các cộng đồng đông dân cư.
Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ vẫn chưa thông báo người dân nước này cần xét nghiệm ở đâu và các hãng bảo hiểm sẽ chi trả mức nào. Một số hoạt động do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đề xuất bị cho là không phù hợp để bảo hiểm thanh toán.
Quan chức CDC kêu gọi người dân tích trữ thuốc men nếu bị cách ly. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm Mỹ hiếm khi cho phép khách hàng mua thêm thuốc trừ khi sắp hết. CDC cũng đề nghị người có các triệu chứng bệnh hô hấp ở nhà, nhưng khi đó người lao động sẽ không được trả lương.
Nhiều người Mỹ lo ngại chi phí xét nghiệm virus corona chủng mới sẽ trở thành gánh nặng tài chính. Ảnh: Getty Images. |
Hệ thống y tế không phù hợp để chống dịch bệnh lây lan nhanh
"Hệ thống chăm sóc y tế Mỹ và hợp đồng bảo hiểm y tế của nhiều người lao động không phù hợp để đối phó với một dịch bệnh lây lan nhanh", Washington Post dẫn lời giáo sư Sabrina Corlette thuộc Đại học Georgetown.
Các quỹ liên bang Mỹ trả chi phí xét nghiệm Covid-19 nếu dịch vụ thực hiện tại các phòng thí nghiệm y tế công liên bang, tiểu bang hoặc địa phương. Nhưng chính sách này không áp dụng với xét nghiệm ở các phòng thí nghiệm nghiên cứu hoặc thương mại.
Trong cả hai trường hợp, chính phủ Mỹ không trả các chi phí như khám bệnh hay cấp cứu dù gần 50% trong tổng số 160 triệu người dân Mỹ mua gói bảo hiểm với mức khấu trừ cao (số tiền người đóng bảo hiểm phải trả trước khi được thanh toán các chi phí còn lại).
"Khấu trừ là thứ buộc người lao động phải suy đi nghĩ lại về quyết định đi khám khi bị bệnh. Khi một dịch bệnh bùng phát, việc người bệnh phải suy đi nghĩ lại về việc đi khám là điều cực kỳ nguy hiểm", chuyên gia chính sách y tế Larry Levitt thuộc tổ chức Kaiser Family Foundation nói.
Ông Thomas Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế thuộc Trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg, nhấn mạnh xóa bỏ các mối lo ngại về tài chính của người dân Mỹ để xét nghiệm phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền liên bang.
Người Mỹ ồ ạt tới các siêu thị mua khẩu trang, đồ dùng vệ sinh, thực phẩm... để tích trữ nhằm đối phó với nguy cơ dịch virus corona chủng mới lan rộng. Ảnh: AP. |
Ông Inglesby cho biết hiện các nước phương Tây với hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân vẫn chưa công khai cụ thể phương án tổ chức xét nghiệm những người nghi nhiễm virus corona chủng mới. “Tuy nhiên, ở những nước mà chi phí xét nghiệm quá lớn như Mỹ, việc xác định người nhiễm bệnh là một thách thức lớn", ông nhấn mạnh.
Theo Korea Herald, tính đến hồi đầu tuần chính quyền Hàn Quốc đã tổ chức xét nghiệm virus corona chủng mới cho hơn 100.000 người. Hơn 200 trung tâm y tế nước này có thể xét nghiệm 15.000 người mỗi ngày. Thiết bị xét nghiệm mới của Hàn Quốc cho kết quả chỉ sau 20 phút.
Các quốc gia như Italy và Anh cũng thông báo có thể xét nghiệm hàng nghìn người mỗi ngày. Tuy nhiên, tới 6 tuần sau khi Mỹ phát hiện ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên, mới chỉ có 500 người ở nước này được xét nghiệm, theo CDC.
Gánh nợ lớn nếu xét nghiệm Covid-19
Những ngày qua, dư luận Mỹ nhiều lần xôn xao với các trường hợp người đi xét nghiệm virus corona chủng mới phải trả phí quá cao. Trong một trường hợp, kỹ sư 29 tuổi Osmel Martinez Azcue ở Miami từng đến Trung Quốc vì công việc rồi trở về Mỹ trước khi đến Italy.
Trên đường lại Mỹ hôm 27/1, anh bị sốt ở sân bay Lisbon (Bồ Đào Nha). Về tới nhà, anh gọi điện cho một trung tâm y tế khẩn cấp và được thông báo chỉ 2 bệnh viện trong thành phố có thể thực hiện xét nghiệm.
Azcue tới bệnh viện công Jackson Memorial và ngay lập tức bị đưa vào phòng cách ly. Sau đó, một bác sĩ yêu cầu anh chụp CT. Nhưng vấn đề là anh phải trả trước tới 5.000 USD.
Do chỉ mua gói bảo hiểm giá rẻ, Azcue đề nghị được xét nghiệm cúm thông thường. Khoảng 2 tiếng sau, anh bị xác định là đã nhiễm cúm và được kê đơn thuốc Tamiflu.
Tuy nhiên, đến ngày 14/2 Azcue bàng hoàng khi Công ty Bảo hiểm Quốc gia (NGI) gửi hóa đơn hơn 3.270 USD tới nhà anh. Phía bảo hiểm nói anh phải trả số tiền này trừ khi chứng minh được rằng anh không có tiền sử bệnh cúm.
Chi phí xét nghiệm virus corona chủng mới tại Mỹ là rất tốn kém, kể cả với những người có bảo hiểm y tế. Ảnh: Getty Images. |
Câu chuyện của Azcue được đăng tải trên tờ Miami Herald và công ty bảo hiểm xuống nước, chỉ đề nghị anh trả 1.400 USD. Từ câu chuyện của Azcue, chuyên gia Inglesby khẳng định chính phủ Mỹ cần phải miễn phí xét nghiệm virus corona chủng mới cho người dân, bao gồm các công đoạn xét nghiệm khác nhau.
Ông Scott Becker, CEO Hiệp hội Phòng thí nghiệm Y tế công, kể ông rất quan ngại về hệ thống y tế Mỹ. Vài ngày trước, ông đưa vợ tới một trung tâm y tế ở Maryland để khám bệnh. Và nơi đây đông nghẹt người.
"Tôi nghĩ sao mà lại đông thế này. Vợ tôi phải chờ tới hơn 90 phút để được khám bệnh. Điều gì sẽ xảy ra nếu dịch virus corona chủng mới bùng phát tại đây. Chắc chắn các trung tâm y tế sẽ quá tải nghiêm trọng", ông Becker lo lắng.
Trong khi đó, giáo sư Corlette thuộc Đại học Georgetown cho biết gần 1/3 người lao động Mỹ không được trả lương nếu nghỉ bệnh. Do đó, những người có triệu chứng cúm sẽ không dám đi khám vì sợ phải nghỉ và mất nguồn thu nhập. "Những mối lo ngại đó khiến họ mất ngủ", bà Corlette băn khoăn.