Hôm 17/6, Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan ra thông báo thành lập khu điều trị Covid-19 dã chiến, trước sự gia tăng các ca bệnh tại cơ quan này, theo CNN.
Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Ngoại giao Mỹ (AFSA) Eric Rubin cho biết: "95% trường hợp nhiễm bệnh không được tiêm chủng hoặc được tiêm chủng nhưng chưa đầy đủ".
Dịch bệnh lây lan giữa các nhân viên và một số nhà thầu người Mỹ ở sứ quán, ông Rubin nói. Hiện tại, các phòng điều trị tích cực (ICU) của lực lượng quân y tại đây đều đã hoạt động hết công suất.
Đại sứ quán Mỹ ở Kabul trải qua đợt lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng. Ảnh: AP. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Chúng tôi rất đau buồn trước cái chết của nhiều người Afghanistan và sự ra đi của một nhân viên Đại sứ quán vì đại dịch”.
Thông báo của cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ nêu rõ các nhân viên còn lại ở Kabul phải ở trong các khu vực riêng biệt, thực hiện các biện pháp hạn chế khi làm việc hoặc tham gia các hoạt động khác.
Cơ quan này cũng kêu gọi những người đến Đại sứ quán Mỹ phải được tiêm phòng đầy đủ.
Bên cạnh đó, ông Rubin khẳng định sẽ thúc ép chính phủ Mỹ đặt ra "yêu cầu tiêm chủng đối với tất cả nhân viên", trừ một số trường hợp đặc biệt, và xem đó là "điều kiện để họ có thể ra nước ngoài làm việc".
"Đây là một thời điểm quan trọng ở Afghanistan", ông Rubin cho biết, trong bối cảnh Mỹ đang kết thúc quá trình hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Đông suốt nhiều năm.
Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, đợt bùng phát bùng phát diễn ra khi quân đội nước này "đã hoàn thành hơn 50%" hoạt động rút khỏi Afghanistan.
"Việc để lại Đại sứ quán cùng với tất cả công dân Mỹ ở Afghanistan là mối đe dọa rất lớn đối với lợi ích và an ninh quốc gia Mỹ", ông Rubin nói.
Tuần trước, cơ quan này đã thông báo đình chỉ tất cả các hoạt động cấp thị thực ở Afghanistan để đối phó với sự bùng phát dịch Covid-19 tại đây.
Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), Afghanistan đang trong giai đoạn "khủng hoảng" khi số ca lây nhiễm và các trường hợp tử vong "vượt ngoài tầm kiểm soát".
Hôm 17/6, IFRC cho biết tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đã tăng khoảng 2.400% trong tháng 6.
Tính đến ngày 18/6, Afghanistan có hơn 98.000 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó hơn 62.200 người đã bình phục. Số ca tử vong là 3.943 ca, chiếm gần 4%.