Hai nước Congo và Kenya, một ở Trung Phi và một ở Đông Phi, có khả năng lớn sẽ trở thành những bến đỗ mới tại nước ngoài của tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Tại cuộc họp Hội đồng Quản trị tổng công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (đơn vị thành viên của Viettel) cách đây chưa lâu, gần như 100% cổ đông đã thông qua chủ trương đầu tư vào hai nước châu Phi này.
Tính đến tháng 7/2014, dân số của Congo đạt 77,4 triệu, là một những nước có số dân lớn nhất châu Phi, nhưng thị trường viễn thông chưa phát triển và còn nhiều tiềm năng. |
Một nguồn tin chưa chính thức cho biết, thời điểm hiện tại, Viettel đã nhận được giấy phép kinh doanh dịch vụ di động tại Congo. Congo có diện tích 2,3 triệu km2, biên giới giáp với 9 nước khác, trong đó có Burundi (là nước Viettel đang đầu tư). 80% diện tích là đồng bằng và rừng. Tính đến tháng 7/2014, dân số của Congo đạt 77,4 triệu, là một những nước có số dân lớn nhất châu Phi, nhưng thị trường viễn thông chưa phát triển và còn nhiều tiềm năng.
Theo phân tích của Viettel, về vĩ mô, Congo có thị trường dân số đông, tiềm năng khoáng sản lớn, đất đai màu mỡ nên về lâu dài có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Trong khi đó, về môi trường kinh doanh, thì dịch vụ 3G mới cung cấp được một năm, số lượng thuê bao mới đạt 1,5 triệu.
Trung bình giá cước viễn thông tại Congo đạt 0,13 USD/phút đối với gọi nội mạng và 0,27 USD/phút đối với gọi ngoại mạng, cao hơn khoảng 2 - 3 lần so với Việt Nam. Giá cước data trung bình khoảng 2 cent/MB, cao gấp 4-6 lần so với Việt Nam hiện nay.
Thách thức đối với Viettel khi tiến vào thị trường này là hiện tại Congo đang có 7 nhà mạng đang hoạt động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viettel, thị trường này đang bị hai hãng viễn thông Airtel và Vodacom không chế với tổng thị phần 65%, thị phần của các nhà mạng còn lại rất nhỏ bé, không đáng kể.
“Thị trường chưa tạo được thế chân vạc, đây là cơ hội để Viettel Global tham gia chiếm lĩnh thị phần”, Viettel phân tích.Ngoài ra, Viettel cho rằng, do vùng phủ dân số của các nhà mạng đối thủ hiện còn thấp, Viettel có cơ hội triển khai mạng lưới với vùng phủ dân số lớn hơn.
Đối với Kenya, tiềm năng để Viettel có thứ hạng cao xem ra còn lớn hơn Congo, theo đánh giá của tập đoàn này. Đây là một quốc gia giáp biển, có chung biên giới với 6 nước là Tanzania, Uganda, Nam Sudan, Ethiopia và Somali. Kenya đang phát triển thành trung tâm kinh tế của vùng Đông Phi.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng Kenya là cửa ngõ mới vào châu Phi, khi đất nước này đầu tư lớn vào phát triển hạ tầng như hệ thống đường xá, cảng biển và sân bay mới.
Về thị trường viễn thông thì mật độ di động tại Kenya hiện tương đối cao, đạt 70%. Viettel phân tích, mặc dù mật độ theo công bố 70%, tuy nhiên, tỷ lệ dùng 2 sim là 1,4 nên tỷ lệ người dùng khoảng 40%, và vì thế thị trường Kenya hoàn toàn vẫn còn cơ hội. Chưa kể, quốc gia này dù có 4 nhà mạng nhưng vẫn ở dưới dạng độc quyền, vì một nhà mạng chiếm thị phần chi phối.
Trong 4 nhà mạng tại Kenya thì Safaricom là nhà mạng lớn nhất với độ phủ tối đa 80% dân số. Viettel cho rằng, chất lượng mạng tại nước này rất kém, nhiều thuê bao trong khi ít trạm, không đạt chỉ tiêu về chất lượng thoại, hay bị khách hàng phàn nàn. “Đây chính là cơ hội để Viettel triển khai vùng phủ rộng, truyền dẫn tốt để cạnh tranh bằng chất lượng mạng tốt hơn”, tập đoàn này nhìn nhận.
Chưa rõ tại Kenya, Viettel sẽ đấu thầu để nhận giấy phép thiết lập và kinh doanh mạng mới, hay là mua một công ty viễn thông tại đó để tiếp tục phát triển?
Trong một cuộc trò chuyện gần đây, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ đầu năm 2013 của Viettel đã chững lại vì việc cấp giấy phép mới ngày càng khó khăn, và Viettel phải chuyển sang một hướng mới là đi mua các công ty đã có giấy phép và đang có khách hàng.
“Năm 2013, Viettel đàm phán nhiều nhưng chỉ đạt được một thương vụ tại Tazania (Viettel hiện chưa công bố Tazania là thị trường chính thức - PV). Đi mua thì thị trường điện thoại thường đã bão hòa, trong khi những giá trị mới như data, phi thoại, gia tăng thì Viettel chưa làm giỏi. Thế nhưng Viettel vẫn mua vì điều đó sẽ đẩy Viettel vào thế khó là phải nhanh hơn, không làm thì sẽ chết”, ông Hùng nói.
“Sóng Viettel” nếu phủ đến Congo và Kenya thì tập đoàn này sẽ có trong tay khoảng 10 thị trường nước ngoài, cùng với các quốc gia mà tập đoàn này đang kinh doanh và đầu tư gồm Đông Timor, Peru, Cameroon, Mozambique, Campuchia, Lào, Haiti và Burundi.