Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công việc nào ở Việt Nam có tỷ lệ tai nạn nhiều nhất?

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người, tiếp đến là cơ khí chế tạo, khai thác khoáng sản...

Năm 2015, cả nước xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động làm 7.785 người bị nạn. Trong đó, 629  vụ chết người, 79 vụ có 2 người chết trở lên. Tổng số người chết do tai nạn lao động là 666, 1.704 người bị thương nặng, riêng nạn nhân nữ là 2.432 người. 

Theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, lĩnh vực xây dựng có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất, chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết. Ngoài ra, các lĩnh vực cơ khí chế tạo, khai thác khoáng sản, sản xuất nông lâm nghiệp cũng có tỷ lệ tai nạn lao động cao.

tai nan lao dong nganh xay dung anh 1
Hiện trường vụ sập giàn giáo 2 người chết ở Hà Tĩnh. Ảnh: Bảo Lâm.

Cũng theo báo cáo này, các yếu tố làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao, chiếm 28,1% tổng số vụ và 26,4% tổng số người chết. Ngoài ra, nguyên nhân chết vì điện giật chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,2% tổng số người chết; vật rơi, đổ sập chiếm 16,8% tổng số vụ và 22,6% tổng số người chết.

Song nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người chủ yếu là người sử dụng lao động, chiếm 52,8%. Các yếu tố như không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo, người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động...

Những vụ tai nạn gây chấn động năm 2015

Năm 2015, nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm trong ngành xây dựng đã xảy ra. Vụ sập giàn giáo tại Dự án Formusa khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh vào lúc 19h50 ngày 25/3/2015 làm 13 người chết, 29 bị thương. Vụ tai nạn do bục nước tại lò khai thác than xóm Xiềng, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vào 8h ngày 18/11/2015 làm 03 người chết.

Cuối năm 2012, liên tiếp những vụ tai nạn trong lĩnh vực này xảy ra khiến nhiều lao động bàng hoàng. Trong đó, không thể quên vụ tai nạn do rơi vận thăng lồng tại Công trình xây dựng Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp, 52 Lĩnh Nam, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội ngày 04/12/2015, làm 3 người chết.

Vụ tai nạn do sập công trình xây dựng cây xăng tại Xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày 9/12/2015 cũng làm 2 người chết và 6 người bị thương.

Theo số liệu báo cáo sơ bộ, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2015 là 153,97 tỷ đồng (chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...), thiệt hại về tài sản là 21,96 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 99.679 ngày.

Các địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người là TP HCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Long An, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Trong đó Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ  tai nạn lao động nhiều nhất, TP HCM có số vụ tai nạn lao động chết người cao nhất cả nước.

Lao động gánh thêm bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp

Theo dự thảo Nghị định về Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, người lao động và doanh nghiệp sẽ phải đóng thêm Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.


Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm