Công ty cổ phần Xi Măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) mới công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm với doanh thu đi lùi 14% về mức 1.691 tỷ đồng. Giá vốn tăng nhanh khiến lãi gộp chỉ còn 76 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, biên lãi gộp của nhà sản xuất xi măng lớn nhất miền Nam này giảm gần một nửa so với cùng kỳ từ 8,4% xuống còn 4,5%.
Không chỉ hoạt động cốt lõi lao dốc mà hoạt động tài chính cũng xấu đi khi chi phí tài chính tăng mạnh 56% lên 43 tỷ đồng (chủ yếu do lãi vay tăng 112%). Các khoản chi phí hoạt động khác cũng tăng 10%.
Kết quả, Xi măng Hà Tiên báo lỗ sau thuế lên đến 86 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 25 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động theo quý.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA VICEM HÀ TIÊN | ||||||||||||||
Nhãn | Quý I/2020 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2021 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2022 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2023 | |
Lãi sau thuế | Tỷ đồng | 105 | 209 | 149 | 154 | 95 | 241 | -20 | 53 | 25 | 136 | 37 | 58 | -86 |
Áp lực cũng thể hiện trên bảng cân đối kế toán khi công ty có khoản phải thu tăng mạnh lên 810 tỷ đồng từ mức 500 tỷ đồng đầu năm, trong khi giá trị hàng tồn kho và lượng tiền đều giảm 20% trong quý đầu năm còn lần lượt 835 tỷ và 547 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp giảm nhẹ về mức 9.257 tỷ đồng. Công ty có quy mô vay nợ (toàn bộ là nợ ngắn hạn) 2.317 tỷ đồng, tăng thêm 25%. Vốn chủ sở hữu đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Dòng tiền cũng trở nên tiêu cực khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chuyển từ số dương sang số âm 512 tỷ đồng quý đầu năm, là nguyên nhân chính khiến giảm lượng tiền trong kỳ.
Theo một báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Xi Măng Hà Tiên hoạt động chính tại thị trường miền Nam (luôn ở trong tình trạng dư cầu) với 5 lò quay trên tổng số 87 lò quay trên toàn quốc. Do có lợi thế về vị trí địa lý, giá bán của công ty luôn cao nhất tại các thị trường.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, nhà sản xuất xi măng này đặt mục tiêu khá thận trọng với doanh thu đi ngang quanh mức 9.000 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 7% lên 276 tỷ đồng.
Kế hoạch được đặt ra trong bối cảnh thị trường xi măng vẫn gặp khó khăn do các dự án chậm triển khai, dẫn đến việc nguồn cung vượt xa nhu cầu. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, giá than cũng dự kiến tăng trong năm 2023.
Đối với thị trường xuất khẩu, ban lãnh đạo dự báo tiếp tục khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, cùng với đó là giá cước vận chuyển cao. Từ ngày năm 2023, Việt Nam đã áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên 10%.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...