Ba năm trước, Xu Changyu, Phó chủ tịch China Sam Enterprise Group, cố gắng giành quyền kiểm soát một hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương. Ông lặng lẽ đàm phán hợp đồng thuê 75 năm hòn đảo nhỏ Tulagi, vốn có cảng nước sâu tự nhiên thuộc quần đảo Solomon.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị chặn lại, sau khi bộ trưởng Tư pháp Solomon tuyên bố nó trái pháp luật, theo Financial Times.
Đến tháng 4/2020, China Sam, công ty có mối quan hệ với Bộ Quốc phòng Trung Quốc, được ông Xu đăng ký với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài ở quần đảo Solomon. Điều đó loại bỏ một trong những rào cản pháp lý khiến thỏa thuận đầu tiên bị trật bánh.
Năm tháng sau, công ty của ông tham gia vào một đề xuất thậm chí còn táo bạo hơn. Lãnh đạo của một tỉnh khác ở Solomon đã nhận được một lá thư từ AVIC International Project Engineering, công ty con thuộc một tập đoàn của nhà nước Trung Quốc.
Bức thư cho biết AVIC và China Sam Enterprise Group dự định nghiên cứu “các cơ hội để phát triển dự án hải quân và cơ sở hạ tầng trên đất thuê dành cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân, độc quyền trong 75 năm”.
Tin tức về bức thư bị rò rỉ trên mạng xã hội vào tháng 7/2021, buộc lãnh đạo chính quyền địa phương phải phủ nhận về những gì đã được thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo Financial Times, những lời đề nghị từ phía các công ty Trung Quốc "hóa ra lại là tiền đề cho một điều to lớn hơn". Trong tài liệu bị rò rỉ, Bắc Kinh và Honiara đã soạn thảo một thỏa thuận an ninh cho phép Hải quân Trung Quốc cập các cảng của Solomon để phục vụ hậu cần, bổ sung và luân chuyển lực lượng.
Thỏa thuận vẫn chưa được ký kết.
Thủ tướng Solomon cùng người đồng cấp Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: AP. |
China Sam Enterprise Group chỉ là một trong danh sách các công ty Trung Quốc đang nỗ lực nhằm kiểm soát dải đất chiến lược trên khắp thế giới.
Trong hàng chục trường hợp được Financial Times xem xét, hầu hết nhà đầu tư Trung Quốc ít tên tuổi đã đề xuất thuê dài hạn hoặc cố gắng mua những khu đất lớn, thường ở những vị trí nhạy cảm.
Một số doanh nghiệp cũng có mối liên hệ rõ ràng với Bắc Kinh. Theo quan điểm của nhiều quốc gia, các công ty tư nhân này đang dọn đường cho lợi ích của nhà nước Trung Quốc.
“Họ là đội tiên phong trong việc thúc đẩy quốc gia của mình vào các thị trường mới và phạm vi ảnh hưởng mới”, một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói.
Có mặt ngay trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao
Đặc biệt, một số công ty Trung Quốc đã tiến hành giao dịch mua bán ở các nước thậm chí không có đại sứ quán của Bắc Kinh, vì những quốc gia này duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Chẳng hạn, Quần đảo Solomon chỉ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh vào năm 2019, nhưng Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của họ sớm hơn nhiều. Nhiều công ty chủ chốt của Trung Quốc, bao gồm các nhà thầu quốc doanh, đã có mặt và vun đắp mối quan hệ nhiều năm trước đó.
Một mô hình tương tự có thể được chứng kiến ở Trung Mỹ và Caribe, nơi Đài Bắc có một số đối tác ngoại giao cuối cùng còn lại.
Tại El Salvador, Tập đoàn châu Á - Thái Bình Dương Xuanhao (APX) của Trung Quốc năm 2018 đã đề xuất thuê cảng La Union trong 50 năm và mở rộng nó. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc đang đàm phán để nước này chuyển sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt tại Solomon ngay trước khi quần đảo này thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Sau đó, APX mở rộng đề xuất bao gồm việc xây dựng một chuỗi đặc khu kinh tế, đòi hỏi hợp đồng thuê 100 năm trên gần 1/6 lãnh thổ và một nửa đường bờ biển của đất nước, Financial Times dẫn nguồn tin cho biết.
Mặc dù tổng thống lúc bấy giờ của El Salvador là Salvador Sánchez Cerén đã thúc đẩy việc hỗ trợ đề xuất này, các kế hoạch lớn đã sớm trở nên bế tắc.
Khi Washington vận động chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latin, Quốc hội El Salvador đã cấm bán đảo cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc khác đã cố gắng giúp thúc đẩy dự án khu kinh tế. Theo tài liệu của chính phủ và các bản tin địa phương, Yang Bo, một thương nhân và nhà đầu tư gốc Hoa, đã mua lại hơn một nửa đất trên hòn đảo Isla Perico.
Việc các công ty và người ở khối tư nhân Trung Quốc thúc đẩy kiểm soát lâu dài các vùng đất rộng lớn làm dấy lên một cuộc tranh luận về những gì các công ty này thực sự đang làm.
Evan Ellis, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của US Army War College, nhận định động thái này "để giúp Bắc Kinh giành được ảnh hưởng về kinh tế và chính trị ở Trung Mỹ”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích, giám đốc điều hành và nhà ngoại giao khác cho biết việc coi các công ty Trung Quốc là bình phong cho lợi ích địa chính trị hoặc quân sự của Bắc Kinh "thường hoàn toàn sai lầm”.
Nhiều kế hoạch "tan thành mây khói"
Các kế hoạch đầy tham vọng mà những công ty này đề xuất cũng là một điểm đáng chú ý. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số đó đã rất nhanh rơi vào bế tắc. Những lo ngại về an ninh ở Philippines đã khiến nhiều kế hoạch của các công ty Trung Quốc bị đình trệ.
Trung Quốc và Philippines có tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: AP. |
Financial Times đã xem xét hơn 30 báo cáo về đề xuất của Trung Quốc cho các dự án phát triển quy mô lớn trên khắp thế giới trong thập kỷ qua. Bên cạnh đó, họ cũng thực hiện một cuộc điều tra chi tiết hơn với nhà phân tích tại Janes, tổ chức tình báo nguồn mở, về 9 dự án được đề xuất hoặc thực hiện trong bốn năm qua.
Các nhà thầu Trung Quốc tại 9 dự án đó đều là những công ty tư nhân được kiểm soát bởi một số ít cổ đông. Claire Chu, nhà phân tích cấp cao của Janes, cho biết đây đều là những người có bản lĩnh kinh doanh mạnh mẽ.
Tuy nhiên, quyền sở hữu tư nhân không có nghĩa là nhà nước "vắng mặt". Một số công ty tư nhân của Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với lực lượng an ninh của Trung Quốc hoặc với các bộ phận khác của bộ máy nhà nước.
Giới phân tích cho biết trong quá trình Bắc Kinh hướng tới sự kiểm soát nhiều hơn đối với xã hội và nền kinh tế, chính phủ đang chỉ đạo các công ty quốc doanh hành động nghiêm túc hơn để hỗ trợ những mục tiêu chính sách đối ngoại.
Ngay cả những người gốc Hoa ở nước ngoài, vốn không phải là công dân Trung Quốc, cũng có thể bị Bắc Kinh lôi kéo vào hoạt động ngoại giao kinh tế.
Đối với nhiều nước phương Tây, không có gì ngạc nhiên khi họ nhìn các công ty Trung Quốc này qua lăng kính địa chính trị.
Tuy nhiên, với sự kết hợp phức tạp của các tác nhân này, mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với chính phủ ở nhiều quốc gia đang phát triển, nơi các công ty Trung Quốc đang nhắm mục tiêu.
Matthew Wale, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập của Quần đảo Solomon, tuyên bố rằng một số thành viên quốc hội “đã bị các công ty Trung Quốc mua chuộc”.
Phản ứng của một số người dân Solomon thậm chí còn gay gắt hơn.
"Họ đang xem xét việc biến Quần đảo Solomon thành thuộc địa ư?”, một người dân phản ứng trước thông tin China Sam trở lại vào năm ngoái với một đề xuất thuê đất trong 75 năm.