Theo CNBC, trong phiên điều trần phá sản kéo dài 5 tiếng của công ty tiền mã hóa Voyager Digital, cô Magnolia là khách hàng đầu tiên lên tiếng.
Magnolia có biết 1 triệu USD của mình đã bị mắc kẹt trên nền tảng. Trong số đó là 350.000 USD cô dành để cho con học đại học. "Đó là số tiền tôi dành dụm suốt 24 năm", cô Magnolia than thở.
"Họ nhận được lòng tin và tiền của chúng tôi. Nhưng họ đã không vận hành công ty một cách đúng đắn", cô nhấn mạnh.
Cô Magnolia là một trong 3,5 triệu khách hàng của Voyager. Họ đang tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng sau khi công ty tạm dừng mọi giao dịch và đệ đơn phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ.
Các khách hàng chao đảo sau khi Voyager tạm dừng mọi giao dịch và đệ đơn phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Ảnh: CNBC. |
Khoản tiết kiệm triệu USD bị đóng băng
Voyager từng là một nền tảng cho vay phổ biến. Công ty chiêu dụ người gửi bằng cách hứa hẹn lợi nhuận lên tới hai chữ số. Khách hàng không được cảnh báo trước về những rủi ro mà họ phải đối mặt.
Khi thị trường tiền mã hóa lao dốc nghiêm trọng, các quỹ đầu cơ và nền tảng tiền mã hóa đã đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng.
Nhiều công ty đã vỡ nợ. Tác động lan tỏa sang toàn bộ ngành công nghiệp và những công ty cho vay như Voyager.
Anh Ari Gurewitz, một khách hàng khác, đã nhắc tới quỹ đầu tư Three Arrows Capital (3AC). Quỹ này cũng vừa nộp đơn phá sản sau khi không thể trả Voyager khoản nợ 650 triệu USD.
10 năm cuộc đời tôi đang bị đóng băng trên nền tảng mà tôi tin tưởng
Một khách hàng giấu tên
"Voyager tuyên bố phá sản trước khi đánh giá tác động đầy đủ từ vụ phá sản của 3AC", anh Gurewitz lập luận.
"Điều này làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu đây có phải là một thủ đoạn để tái cấu trúc và loại bỏ rất nhiều khoản lỗ, trong khi khách hàng là người gánh thiệt hại hay không", anh nói thêm.
Voyager có khoảng 100.000 chủ nợ. Những người này sẽ được bỏ phiếu cho kế hoạch của Voyager tại tòa án phá sản. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng họ không có nhiều tiếng nói trong quá trình này.
Một khách hàng giấu tên cho biết anh có hàng triệu USD bị mắc kẹt trên nền tảng. "Tôi muốn vị thế của mình là chủ sở hữu, là người gửi của khoản tiền", anh chia sẻ.
"10 năm cuộc đời tôi đang bị đóng băng trên nền tảng mà tôi tin tưởng", anh tuyệt vọng.
Mập mờ với khách hàng
Vấn đề của hàng triệu khách hàng nằm ở quyền sở hữu. Khách hàng cho rằng mình gửi tiền vào nền tảng thay vì đầu tư, nhưng họ không thể dễ dàng đòi lại tiền.
"Tôi luôn coi mình là chủ sở hữu và người gửi hợp pháp của những khoản tiền mã hóa được cung cấp trên nền tảng của họ", vị khách hàng cho biết.
"Tôi chỉ muốn hiểu rõ vì sao tôi bị coi là chủ nợ, thậm chí chủ nợ không có bảo đảm, thay vì chủ sở hữu của khoản tiền của tôi", người này bất bình.
Các khách hàng của Voyager có lý do để băn khoăn.
Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) và Hội đồng Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ đã gửi một lá thư cho Voyager vào tháng 7. Lá thư cáo buộc công ty đưa ra những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm về các khoản tiền gửi.
Tôi chỉ muốn hiểu rõ vì sao tôi bị coi là chủ nợ, thậm chí chủ nợ không có bảo đảm, thay vì chủ sở hữu của khoản tiền của tôi
Một khách hàng giấu tên
Tại phiên điều trần, một khách hàng có tên Ginger Little cho biết khi gửi tiền vào nền tảng, cô phải chuyển từ USD sang stablecoin (tạm dịch: đồng tiền ổn định) USDC neo với USD.
"Họ không nói với chúng tôi rằng chúng không giống tiền mặt, hay phải làm như vậy, chúng tôi mới nhận được mức lợi nhuận như hứa hẹn", cô kể lại.
Cô Magnolia cho biết cô tưởng rằng Voyager đã khẳng định đồng USDC của mình "được FDIC bảo hiểm".
Theo ủy ban chủ nợ không có bảo đảm, Voyager sẽ sớm gửi các biểu mẫu để khách hàng cung cấp bằng chứng.
Voyager hiện có khoảng 1,3 tỷ USD tài sản tiền mã hóa trên nền tảng, 104 triệu USD tiền mặt và 650 triệu USD cho 3AC vay, nhưng quỹ này hiện đã phá sản.
Trong khi đó, cho đến nay, các chủ nợ cho biết Voyager vẫn giữ của họ 1,8 tỷ USD. Ủy ban cho biết sẽ thương lượng để nhanh chóng trả lại tiền cho khách hàng của nền tảng.
Ủy ban cũng cho biết họ đang có những bước đi "chưa từng có". Đó là ủng hộ việc trả tiền cho các chủ nợ bằng những khoản hỗ trợ trong quá trình phá sản.
Tuần trước, khách hàng có thể lấy lại một phần tiền từ nền tảng. Tuy nhiên, các điều kiện vẫn rất nghiêm ngặt. Những người dùng giữ USD trong tài khoản tại Metropolitan Commercial Bank sẽ được rút tổng cộng 270 triệu USD, tối đa 100.000 USD trong vòng 24 giờ, thông qua ứng dụng Voyager.
Nhưng những khách hàng nắm giữ tiền mã hóa trong tài khoản vẫn không thể làm gì với khoản tiền của mình.