25 nhân viên của một công ty quảng cáo tại Thụy Sĩ đã bị thương trong ngày 14/6 khi đi chân trần trên than cháy tại một hoạt động dã ngoại tại công ty. 10 xe cấp cứu cùng đội ngũ y tế và cảnh sát đã có mặt để hỗ trợ, với 13 trường hợp phải nhập viện.
"Chúng tôi rất tiếc vì sự cố này và sẽ làm mọi thứ để các nhân viên sớm bình phục", Michi Frank, Giám đốc điều hành của công ty Golbach, cho biết.
Phong tục đi trên than cháy đã xuất hiện hàng nghìn năm trước như một truyền thống tôn giáo. Việc này đòi hỏi phải có trạng thái nội tâm đặc biệt, và đã thúc đẩy việc biến một truyền thống tâm linh từ xưa thành hoạt động phát triển bản thân ở các công ty hiện nay.
Phong tục ở nhiều quốc gia
Tại Hy Lạp, phong tục này còn bao gồm ca hát, nhảy múa và đi trên than cháy như tưởng niệm một truyền thuyết ở địa phương. Chuyện kể rằng khi nhà thờ Thánh Constantine và Thánh Helen bị cháy, dân làng chạy đến dập lửa và lao vào cứu những biểu tượng của hai vị thánh mà không bị thương tích gì.
Những phong tục tương tự cũng xuất hiện ở Bali, Fiji, Ấn Độ và Nhật Bản.
Các phóng viên du lịch góp phần giúp hoạt động này nổi tiếng, đôi khi theo những thuật ngữ thần bí. “Bí quyết là sự tập trung”, New York Times đưa tin vào năm 1973 sau một sự kiện đi trên than cháy tại ngôi đền ở Kyoto.
Nghi lễ đi chân trần trên than cháy của người dân Hy Lạp. Ảnh: New York Times. |
Những năm sau đó, việc đi trên than trở thành một đề tài trong phim ảnh và truyền hình, đặc biệt nó trở thành tâm điểm trong các buổi hội thảo của Tony Robbins, một diễn giả truyền cảm hứng.
“Bây giờ để tôi cho các bạn thấy cách đi trên lửa” là câu ông Robbins hay dùng. Ông tập hợp hàng dài những người bước qua than đang cháy trong khi liên tục hô hào những người tham dự tự động viên bản thân.
“Mục đích của việc đi trên lửa là cách ẩn dụ để thực hiện được những điều bạn nghĩ là khó hoặc bất khả thi, và cho thấy bạn có thể nhanh chóng thay đổi như thế nào”, ông giải thích tại một sự kiện năm 2017.
Đôi khi cái gọi là phép ẩn dụ lại mang lại những hậu quả. Hàng chục người đi trên than cháy trong các buổi hội thảo của ông Robbins đã bị thương, một vài người phải nhập viện vì bị bỏng cấp độ 3.
“Mục tiêu luôn là không có ai cảm thấy khó chịu sau đó, nhưng cũng không có gì lạ khi có ít hơn 1% những người tham dự 'bị bỏng', điều tương tự với việc cháy nắng và có thể được điều trị bằng nha đam”, người phát ngôn của ông Robbins nói với Washington Post năm 2016.
Liệu có nguy hiểm?
Các chuyên gia cho biết với việc hướng dẫn và chuẩn bị kỹ lưỡng, việc đi qua than cháy thực ra không nguy hiểm như vẻ bề ngoài.
“Với nhiều người, có một vết phồng với kích thước tương đương móng tay út của bạn là điều tệ nhất có thể xảy ra (khi đi qua than cháy)”, nhà vật lý học David Willey nói ngày 16/6.
Ông Willey từng giữ kỷ lục thế giới về quãng đường đi bộ trên than cháy dài nhất. Ông cho biết vẫn sẽ an toàn khi đi bộ 6 m qua bãi than nóng hơn 500 độ C, nói thêm bản thân ông từng đi qua bãi than với cùng nhiệt độ với độ dài hơn 150 m nhưng không bị phồng rộp.
Xe cấp cứu có mặt tại hồ Zurich sau khi những người dự sự kiện đi chân trần trên than cháy bị thương ngày 14/6. Ảnh: New York Times. |
Trên website của mình, ông viết khi đi bộ nhanh, chân trần tiếp xúc với than chỉ trong khoảng một giây, không đủ thời gian để nhiệt truyền từ than sang da người mà gây đau đớn. Ông nói thêm cả than và da đều có độ dẫn nhiệt thấp hơn rất nhiều so với kim loại.
Tuy nhiên những sai sót có thể dẫn đến chấn thương. Chúng bao gồm việc cong ngón chân và kẹp cục than giữa các ngón; đi trên than quá nóng; đi trên bãi biển, khi có thể bị lún vào cát, ông chia sẻ.
Thomy Widmer, người tổ chức sự kiện ở Zurich vừa qua (với 25 người bị thương), nói rằng ông đã cảnh báo những người tham gia không nên “chạy hoặc nhảy qua” bãi than cháy, mà hãy đi một cách từ tốn.
Ông nói rất tiếc về những trường hợp bị thương, nhưng phủ nhận việc phải chịu trách nhiệm cho sự cố này. “Đó đã có thể là một sự kiện tuyệt vời”, ông nói.