Là những doanh nghiệp đầu ngành ở thị trường bán bánh phồng tôm trong nước và xuất khẩu, Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang và Công ty CP Thực phẩm Bích Chi đang thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ mặt hàng bình dị này.
Báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố của Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang cho biết doanh nghiệp này đạt gần 70 tỷ đồng doanh thu trong quý III và lãi trước thuế gần 7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu của công ty này, phần lớn đến từ bán bánh phồng tôm cả trong và ngoài nước khi chiếm gần 58 tỷ, tương đương 83% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.
Với việc là doanh nghiệp có thị phần bán bánh phồng tôm nội địa lớn nhất hiện nay, mảng kinh doanh này đều đặn mang về cho Sa Giang hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Tính trong 9 tháng từ đầu năm, doanh nghiệp này đạt gần 228 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bán bánh phồng tôm chiếm tới 78% doanh số, tương đương gần 177 tỷ. Tính bình quân mỗi ngày công ty thu về hơn 840 triệu đồng tiền bán hàng từ các sản phẩm bánh phồng tôm là chủ đạo.
Nhờ doanh thu lớn từ bán bánh phồng tôm, Sa Giang đã thu về gần 27 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng, tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng là doanh nghiệp tại thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) Công ty CP Thực phẩm Bích Chi trong quý III vừa qua ghi nhận hơn 138 tỷ đồng doanh thu, trong đó gần 65% đến từ thị trường xuất khẩu.
Tính cả 9 tháng, doanh nghiệp này đạt gần 391 tỷ đồng doanh thu. Theo ban lãnh đạo công ty, phần lớn doanh thu phát sinh trong năm đến từ hoạt động bán thành phẩm là bánh phồng tôm, bột đậu, phở và hủ tiếu. Bình quân mỗi ngày từ đầu năm, doanh nghiệp này cũng thu về hơn 1,4 tỷ đồng từ việc bán các sản phẩm độc đáo trên.
Sau khi trừ giá vốn cùng các khoản chi phí vận hành, Bích Chi thu về hơn 55 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Cả Sa Giang và Bích Chi đều cho biết hiệu quả kinh doanh của công ty phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào. Năm 2018, Sa Giang đặt mục tiêu bán được 7.900 tấn bánh phồng tôm và 1.000 tấn các sản phẩm từ gạo nhưng không hoàn thành kế hoạch. Sản lượng sụt giảm kéo theo doanh thu và lợi nhuận của công ty dưới kế hoạch.
Nguyên nhân được ban lãnh đạo công ty đưa ra do giá nguyên liệu tăng quá cao. Trong đó, các nguyên liệu chính đều tăng trên 20%, trong khi doanh nghiệp chỉ điều chỉnh giá bán tăng 3-7% khiến lợi nhuận gộp sụt giảm, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh.
Trong năm nay, Sa Giang mục tiêu bán tổng cộng 7.300 tấn bánh phồng tôm và 1.200 tấn các sản phẩm từ gạo, qua đó thu về 313 tỷ đồng doanh thu và 31 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp này đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 87% lợi nhuận trước thuế.
Lãnh đạo Công ty Bích Chi cũng cho biết công ty gặp khó khăn liên quan đến giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao. Theo đó, giá cả nguyên, nhiên liệu đều tăng như giá tinh bột khoai mì có thời điểm tăng 35-40% so với cùng kỳ; giá gạo tăng 15-20%; giá trấu tăng 10-15%... ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của công ty.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất công ty gặp phải năm vừa qua là lực lượng lao động sụt giảm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tỉnh có chủ trương khuyến khích đi lao động nước ngoài nên số lao động dịch chuyển đi làm ở Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc tương đối đông. Đồng Tháp cũng là tỉnh đứng đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu lao động.
Năm 2018 cũng là năm xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nóng, thu hút hàng nghìn lao động bổ sung cho ngành này. Do thiếu hụt lao động nên hiện tượng kéo dài giờ sản xuất dẫn đến hao mòn sức lao động của công ty.
Năm 2019, công ty này đặt mục tiêu doanh thu trong khoảng 480 tỷ đến 540 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế trong khoảng từ 42 tỷ đến 50 tỷ. Sau 9 tháng, công ty này đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch kinh doanh tối thiểu đề ra.