Hoạt động chưa bao lâu, một số doanh nghiệp ở TP.HCM đã phát sinh tranh chấp vì vi phạm pháp luật, dung túng cho các hành vi thô bạo, xúc phạm nhân phẩm, thân thể người lao động...
Chiều 30/9, không thể tiếp tục làm việc để chịu đựng hành vi ngang ngược, coi thường công nhân (CN) Việt Nam của ông Kim Young Wan, quản lý người Hàn Quốc, 14 CN công ty TNHH SJ Globol (quận 12, TP.HCM) đã xin nghỉ việc. Ngay khi nghe tin này, ông Kim đã lớn tiếng chửi bới, xua đuổi, tuyên bố đến cuối tháng 12/2014 mới trả hồ sơ và lương tháng 9 cho CN. Khi tuyên bố này bị CN phản đối, ông Kim tức giận lao vào đòi đánh họ. Nhờ lực lượng bảo vệ can ngăn kịp thời nên xô xát không xảy ra.
Hở chút là đánh, chửi
Theo phản ánh của CN, đây không phải lần đầu ông Kim có hành vi bạo lực với họ. Vài ngày trước, chỉ vì đeo tai nghe khi làm việc, một nam CN may liền bị ông túm cổ áo lôi khỏi xưởng, đánh và đuổi việc. Tiếp đó, sáng 30/9, ông Kim lại lao vào đòi đánh 2 CN là Nguyễn Văn Nội và Nguyễn Hoàng Thái nhưng được bảo vệ ngăn cản kịp thời.
Không chấp nhận hành vi thô bạo của quản lý người Hàn Quốc, 14 công nhân công ty TNHH SJ Globol đã xin nghỉ việc. |
Không chỉ nam CN bị đối xử thô bạo, với CN nữ, ông quản lý này cũng không nương tay. Trưa 30/9, ông Kim vừa la lối vừa túm cổ áo chị Đinh Thị Huệ kéo ra khỏi xưởng và tuyên bố đuổi việc vì cho rằng nữ CN này đi vệ sinh quá giờ quy định.
“Công ty cho phép đi vệ sinh 4 lần/ngày, mỗi lần không quá 10 phút. Do nhà vệ sinh ở xa, tôi lại bị tật ở chân nên đi lâu hơn người khác. Dù vậy, tôi chưa lần nào vượt quá thời gian quy định. Không hiểu sao ông Kim lại hành xử thô bạo với tôi như vậy?”, CN Đinh Thị Huệ ấm ức.
Công ty TNHH SJ Globol mới hoạt động từ đầu tháng 8/2014, sử dụng 103 lao động nhưng không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), không tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc cho CN; nước uống không đủ, chất lượng bữa ăn quá kém. Bên cạnh đó, công ty quy định thời gian làm việc buổi sáng bắt đầu từ 7h30, chiều từ 12h30 nhưng CN phải có mặt trước 7h20 và 12h20. Ai đi trễ dù chỉ vài phút cũng bị đuổi việc hoặc bị trừ tiền vô tội vạ…
Ép vô công ty để bắt chẹt
Hoạt động chưa bao lâu nhưng cũng có nhiều sai phạm là công ty TNHH Người Chăm Bệnh (quận 1, TP.HCM). Tháng 12/2013, công ty ký hợp đồng đặt địa điểm giao dịch giới thiệu dịch vụ nuôi bệnh với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (quận 5, TP.HCM). Hàng chục người nuôi bệnh là lao động tự do, đang chăm sóc bệnh nhân tại đây buộc phải xin vào công ty. Ai không vào sẽ không được nuôi bệnh tại bệnh viện này. Công ty còn hứa hẹn sẽ ký HĐLĐ, tham gia BHXH, bố trí ca nuôi bệnh, nhà ở… cho nhân viên.
Tuy nhiên, đến nay, chưa ai được ký HĐLĐ, tham gia BHXH và BHYT, cũng không được hướng dẫn nghiệp vụ. Mặt khác, thu nhập của nhân viên cũng giảm đáng kể. Chị L. cho biết khi chưa trở thành nhân viên của công ty, mỗi ngày nuôi bệnh, chị được trả công 250.000 - 350.000 đồng, tùy bệnh nặng, nhẹ và được trả tiền mỗi ngày hoặc ngay sau khi bệnh nhân xuất viện. Nay, cũng với mức tiền công như thế nhưng chị phải nộp cho công ty 5 ngày đầu là 70.000 đồng/ngày, những ngày tiếp theo 50.000 đồng/ngày và phải 3 ngày sau khi kết thúc nuôi bệnh mới được thanh toán.
“Chúng tôi không có lương, không có chế độ, vẫn phải tự kiếm bệnh nhân như trước. Thấy bất cập, chúng tôi phản ứng thì công ty kiếm cớ gây khó dễ”, nhân viên tên P. bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Triệu, Giám đốc công ty, thừa nhận phản ánh của nhân viên là đúng. Ông Triệu lý giải do công ty mới thành lập, tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn nên buộc phải trừ tiền công của nhân viên để... gánh lỗ cho công ty (?)… “Từ trước đến nay, tôi cho rằng người lao động chỉ quan tâm đến lương bổng; còn việc ký HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT không quan trọng. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng khắc phục điều này", ông Triệu hứa hẹn.
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng quận 12 chiều 30/9, bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH SJ Globol, cam kết sẽ khắc phục sai phạm và nhắc nhở ông Kim Young Wan cẩn trọng hơn trong lời nói, hành động. Lương tháng 9 của CN, công ty hẹn trả vào ngày 7/10.