Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty nước ngoài đổi chiến lược tại Trung Quốc

Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang buộc các công ty đa quốc gia xem nước này giống như một thị trường đã phát triển.

Với vai trò là đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong phần lớn thời gian của thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành nơi để các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm sự tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh các nền kinh tế khác trầy trật.

Cảm nhận thay đổi

Tuy nhiên, hiện nay - khi Bắc Kinh tìm cách tái cân bằng nền kinh tế, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuống mức thấp nhất trong một thế hệ - hàng loạt công ty nước ngoài ở nước này đang phải đối mặt với bức tranh lợi nhuận u ám.

“Chúng tôi đã bước vào một giai đoạn mới, với mức tăng trưởng chậm hơn. Và điều này thay đổi động lực kinh doanh, thay đổi triển vọng kinh doanh”, ông John Lawler, Giám đốc điều hành hãng xe Mỹ Ford tại Trung Quốc, phát biểu tại một hội thảo doanh nghiệp Mỹ tại Thượng Hải mới đây.

Theo hãng tin Reuters, trong mấy tuần gần đây, nhu cầu yếu của thị trường Trung Quốc được xem là nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh èo uột và dự báo lợi nhuận bị cắt giảm của hàng loạt công ty, từ hãng đồ hiệu Burberry, chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh KFC, cho tới hãng công nghệ IBM của Mỹ, và nhà sản xuất người máy Yaskawa Electric của Nhật.

Các thống kê kinh tế công bố trong tháng 10 cũng cho thấy tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh ở Nhật Bản. Trong khi đó, xuất khẩu Hàn Quốc tiếp tục sụt giảm. Nhật Bản và Hàn Quốc cùng coi sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới sự sa sút này.

Các công ty thuộc các ngành xây dựng và khai mỏ cảm nhận rõ nét hơn cả tác động từ Trung Quốc. 

Nhà sản xuất thiết bị hạng nặng Caterpillar đã vạch ra kế hoạch cắt giảm mạnh đầu tư cơ bản và sa thải khoảng 10.000 nhân viên. Tập đoàn công nghiệp Mỹ United Technologies Corp dự báo doanh thu tại thị trường Trung Quốc có thể giảm tới 15% trong năm 2016.

Và thời kỳ tăng trưởng hai con số vốn thu hút các công ty nước ngoài đổ vào Trung Quốc trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ này có lẽ sẽ không quay trở lại. Hôm thứ ba tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ giữ ở ngưỡng khoảng 7% trong 5 năm tới.

“Mọi thứ đang trở nên phức tạp”

Khi Bắc Kinh nỗ lực dịch chuyển nền kinh tế khỏi mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư, các công ty đa quốc gia hoạt động ở nước này bắt đầu phải đánh giá lại chiến lược.

Một cửa hiệu KFC ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Một cửa hiệu KFC ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

“Nhìn chung, các công ty sẽ phải chuyển từ ‘đi, đi, đi, tăng trưởng, tăng trưởng, tăng trưởng’ sang ‘mọi thứ đang trở nên phức tạp’”, ông Abinta Malik, Tổng giám đốc hãng thời trang Gap tại Trung Quốc, phát biểu.

Một số công ty đã đầu tư mạnh tay hơn cho phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc.

“Chúng tôi đã điều chỉnh sản phẩm, đầu tư vào sáng tạo và cải thiện sản phẩm nhiều như ở thị trường châu Âu”, Giám đốc điều hành Paul Bulcke của hãng thực phẩm Nestle cho biết.

Hôm chủ nhật tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh ước tính rằng mức tiêu dùng ở thị trường rộng lớn của nước này mới chỉ đạt một nửa công suất. Vấn đề nằm ở chỗ: người tiêu dùng Trung Quốc chưa chịu chi tiêu nhiều hơn để bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu đầu tư.

“Sự tăng trưởng tiêu dùng nhanh chóng vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự suy giảm của lĩnh vực đầu tư công nghiệp truyền thống”, Giám đốc điều hành của hãng dây cáp điện Thụy Sỹ ABB, ông Ulrich Spiesshofer phát biểu về thị trường Trung Quốc sau khi hãng này báo lợi nhuận ròng và doanh thu quý 3 đồng loạt giảm hồi tuần trước.

Y tế là một trong những lĩnh vực có triển vọng ở Trung Quốc trong thời gian tới khi người tiêu dùng nước này trở nên già hơn, giàu hơn, và có nhiều thông tin hơn.

“Các yếu tố nền tảng vẫn chưa hề thay đổi. Vẫn có 1,5 tỷ người. Họ đang xây thêm nhiều bệnh viện. Thị trường y tế tư nhân ở Trung Quốc đang tăng với tốc độ 15-20% mỗi quý”, ông Jeff Bornstein, Giám đốc tài chính công ty công nghệ y tế của tập đoàn Mỹ GE, nói.

Điểm sáng dịch vụ

Trái với các công ty nước ngoài khác, hãng dược phẩm Roche chứng kiến doanh thu quý III tăng tại Trung Quốc. Hãng này cho biết thị trường thuốc chống ung thư ở Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh.

“Những gì chúng tôi đang chứng kiến là các sản phẩm chiến lược của chúng tôi mới chỉ bắt đầu tìm ra được con đường thực sự để đến với khách hàng ở Trung Quốc. Doanh số các sản phẩm này tăng trưởng rất tốt, ở mức hai con số”, Giám đốc dược phẩm Dan O’Day của Roche cho hay.

Trong bối cảnh doanh số ôtô tại thị trường Trung Quốc đi ngang, các hãng xe nước ngoài như BMW tăng cường các chương trình đào tạo, hướng dẫn các nhà phân phối tối đa hóa doanh thu từ cho vay mua xe, sửa chữa xe và bảo hiểm xe, thay vì chỉ tập trung vào bán xe mới như trước kia.

Dịch vụ hiện là một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc. Một cuộc thăm dò công bố vào hôm thứ Tư tuần này cho thấy ngành dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong 3 tháng.

Ông Spiesshofer của ABB nói hãng này đã mở một trung tâm dịch vụ mới ở Trung Quốc. Trung tâm này chuyên cung cấp phụ tùng, dịch vụ bảo dưỡng, và tư vấn về dầu khí, hóa chất, dịchvụ công cộng, kim loại, giao thông và cơ sở hạ tầng.

“Trước đây, khách hàng Trung Quốc không có nhu cầu lớn về dịch vụ như hiện nay. Chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh mảng này”, ông Spiesshofer nói.

Trung Quốc và hai chiều tác động đến kinh tế Việt Nam

Kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng cũng có những tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam...

 

http://vneconomy.vn/the-gioi/cong-ty-nuoc-ngoai-doi-chien-luoc-tai-trung-quoc-2015110611221777.htm

Theo An Huy/VnEconomy

Bạn có thể quan tâm