Công ty của Cường Đô la vẫn lỗ trong quý 3
Hàng loạt các đại gia trong lĩnh vực BĐS, xây dựng... báo lỗ quý 3. Đến thời điểm 30/9, công ty của bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ông Quốc Cường chỉ còn 3,3 tỷ đồng tiền mặt.
Triền miên lỗ cả năm
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS) công bố báo cáo tài chính quý III/2012 và 9 tháng đầu năm 2012 hợp nhất. Theo đó, quý III/2012, cổ đông công ty mẹ tiếp tục thua lỗ 30,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 11,5 tỷ), sau khi lỗ gần 100 tỷ đồng trong quý II/2012. Lũy kế 9 tháng/2012, SJS lỗ 124,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 12,8 tỷ) và lỗ chưa phân phối cuối quý III đạt gần 210 tỷ đồng.
Như vậy, SJS đã lỗ 4 trong 5 quý liên tiếp vừa qua và tình hình xem ra chưa được cải thiện do thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đang chìm trong cảnh chợ chiều. Doanh thu của doanh nghiệp quá thấp, tồn kho lớn và các khoản nợ ngân hàng dồn đống là các thông tin khá tiêu cực đối với cổ phiếu này.
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) của đại gia “Cường đô-la” cũng báo lỗ ròng hợp nhất 468 triệu đồng trong quý III/2012. Con số lỗ là khá nhỏ so với mức lỗ gần 40 tỷ đồng năm ngoái. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tình trạng thua lỗ của QCG là trầm kha với 4 trong 5 quý liên tiếp lợi nhuận âm.
Hàng loạt các đại gia trong lĩnh vực BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng hoặc liên quan tới BĐS khác báo lỗ quý III/2012 và 9 tháng như PVX (lỗ 14,5 tỷ đồng và 482 tỷ đồng), KBC (lỗ 132,2 tỷ và 233,2 tỷ đồng), PSG (lỗ 116,7 tỷ và 179,6 tỷ đồng), HT1 (lỗ 29,8 tỷ và lỗ 29,8 tỷ), LCG (công ty mẹ lỗ 23,8 tỷ và 5,1 tỷ đồng)…
Trên thực tế, danh sách các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nói trên thua lỗ còn kéo rất dài với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ như HHG, NTB, IDJ, KAC, NVT, SDH, SJM, VCV, DCT, POM, QCC, DAC, VHG...
Hiện tượng thua lỗ dường như cũng không gây nhiều bất ngờ với giới đầu tư cũng như các cổ đông bởi nền kinh tế nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thị trường BĐS ảm đạm, hàng tồn kho chất đống, chi phí tài chính cao…
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về tương lai thực sự của một số đại gia trong các lĩnh vực nói trên sẽ như thế nào nếu như thị trường còn tiếp tục khó khăn trong khi các báo cáo tài chính đang rất be bét.
Cạn tiền mặt
Trong trường hợp SJS, nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá lo lắng khi mà doanh thu trong quý III/2012 của doanh nghiệp này cho dù đã tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn rất thấp, ở mức 12 tỷ đồng. Con số cho cả 9 tháng chỉ vỏn vẹn 41 tỷ đồng.
Điều mà nhiều người lo ngại là ở chỗ, SJS là một doanh nghiệp thuộc hàng “đại gia” trong lĩnh vực BĐS, với vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng và cổ phiếu của doanh nghiệp này một thời được săn lùng ráo riết và giá cao ngất trời.
Con số doanh thu vài chục tỷ đồng chắc chắn là quá nhỏ bé so với quy mô của doanh nghiệp này. Trong các quý I và II/2012 doanh thu cũng rất thấp, tương ứng là 26,1 và 8,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng tồn kho của đơn vị này khá lớn, tới cuối quý III/2012 là gần 4.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở một phương diện nào đó, SJS vẫn đang được kỳ vọng và giá cổ phiếu này vẫn cao hơn hẳn so với mặt bằng chung (đa số dưới mệnh giá) là 21.100 đồng/cp (tính tới hết ngày 16/11).
Trên thực tế, doanh thu của doanh nghiệp BĐS thường diễn biến bất thường, lúc cao lúc thấp. Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay việc bán các sản phẩm BĐS ở mức giá cao là không khả thi.
Vấn đề hàng tồn kho tại SJS đang gia tăng được giải thích chủ yếu là chi phí sản xuất BĐS dở dang. Trong số gần 4.200 tỷ đồng tồn kho cuối quý III/2012, có gần 2.000 tỷ đồng tồn kho trong đó dự án khu đô thị Nam An Khánh (tăng hơn 250 tỷ đồng so với đầu năm) và 1.125,6 tỷ đồng khu đô thị mới Hòa Hải-Đà Nẵng là 1.125,6 tỷ đồng.
Còn với trường hợp QCG, trong quý III/2012, doanh nghiệp này bán được hàng tương đối khá, với doanh thu thuần đạt gần 60 tỷ đồng (tăng 13,3% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2012 của doanh nghiệp này nhìn chung cũng vẫn còn khá bi đát.
Đến thời điểm 30/9, công ty của bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ông Quốc Cường chỉ còn lại vỏn vẹn 3,3 tỷ đồng tiền mặt. Tiền gửi ngân hàng còn khoảng 36,4 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền là 1,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng tài sản QCG là 5.705,5 tỷ đồng, với tài sản ngắn hạn là 4.223,6 tỷ đồng, chiếm 74%. Tổng nợ ngắn hạn của QCG là 1.931,4 tỷ đồng (vay ngân hàng khoảng 282 tỷ đồng). Hàng tồn kho rất lớn là 3.511,7 tỷ đồng.
Một điều đáng quan tâm là đa số các dự án tạo nguồn tiền cho Quốc Cường Gia Lai trong năm nay và năm sau đều là dự án BĐS trung và cao cấp - mảng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi khủng hoảng và rất khó bán hàng nếu giá không được giảm xuống thực sự thấp.
Việc bán hàng khó khăn, trong khi QCG lại đang cần thêm rất nhiều tiền cho các dự án BĐS cho việc thanh toán nợ vay đáo hạn khiến lãnh đạo doanh nghiệp này khó xoay sở. Với sự chênh lệch quá lớn giữa nguồn tiền thu về và tiền cho hoạt động có thể sẽ đẩy doanh nghiệp tới vực thẳm.
Nhìn chung, những khó khăn của các doanh nghiệp BĐS đang gặp phải không phải là hiện tượng mới. Tuy nhiên, những khó khăn này đang kéo dài hết quý này sang quý khác trong khi dường như các doanh nghiệp chưa có cách giải quyết hiệu quả khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy không an tâm.
Theo họ, dường như có không ít các doanh nghiệp chỉ có những thay đổi mang tính chất giảm chi qua đó giảm lỗ, mà chưa tìm phương hướng thúc đẩy nguồn thu đầu vào, giải quyết nợ nần để chuyển sang một thời kỳ kinh doanh mới, theo hướng phát triển bền vững hơn. Không ít doanh nghiệp có lẽ đang chờ đợi thị trường khởi sắc. Họ vẫn đang ngóng cơ may mà không tự vận động để làm chủ doanh nghiệp của mình.
Có lẽ, một điều quan trọng mà nhiều doanh nghiệp chưa hoặc cố tình chưa nghĩ đến là vấn đề vay nợ lớn. Một doanh nghiệp vay nợ quá lớn sẽ khiến cho nó mất ổn định. Cái nợ thường đi với cái tội, như đã thấy tấm gương của nhiều đại gia trong thời gian gần đây.
Theo Vietnamnet