Boy London, hãng thời trang đường phố của Anh, đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng Trung Quốc. Nguyên nhân là một thành viên trong băng đảng trong vụ hành hung phụ nữ được nhìn thấy đang mặc áo phông của thương hiệu này.
Theo SCMP, vụ hành hung xảy ra vào tối 10/6 ở một nhà hàng thịt nướng tại Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc. Camera giám sát đã ghi lại toàn bộ vụ việc.
Dân mạng Trung Quốc tẩy chay thương hiệu thời trang khi kẻ hành hung mặc áo của hãng này. |
Sự việc bắt đầu khi người đàn ông có hành vi quấy rối với nữ thực khách trong quán, đụng chạm vào lưng và vai của cô. Người phụ nữ đã phản ứng trước khi cô và những người bạn của mình bị nhóm của người đàn ông tấn công.
Các nạn nhân liên tục bị đánh, đá và xô xuống đất, bị nhóm đàn ông ném ghế vào người. Hai cô gái trong nhóm đã phải nhập viện điều trị.
9 người đàn ông liên quan đến vụ hành hung đã bị bắt và giam giữ.
Vụ hành hung nhanh chóng lan truyền, khiến dân mạng Trung Quốc phẫn nộ. Điều đáng nói là nhiều dân mạng đã đổ lỗi cho Boy London vì những kẻ hành hung mặc áo của hãng này trong vụ tấn công.
"Hãy tránh xa những kẻ ăn mặc kiểu áo này", nhiều dân mạng chia sẻ clip kèm theo dòng cảnh báo.
Một số đặc điểm được liệt kê là "kiểu tóc tù nhân" của những kẻ tham gia vụ hành hung, hình xăm trên cánh tay, vòng cổ vàng và đặc biệt là chiếc áo phông Boy London (một thành viên băng đảng mặc áo in hình đại bàng với chữ BOY).
"Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã thấy những kẻ mặc áo hãng này chẳng tốt đẹp gì", "Hãy cho chúng tôi biết danh sách khách hàng của hãng để tránh nguy hiểm", nhiều dân mạng để lại bình luận tấn công thương hiệu thời trang của Anh.
Hình ảnh vụ hành hung được CCTV ghi lại và lan truyền trên mạng. |
Boy London chưa đưa ra tuyên bố chính thức. Tuy nhiên, tại cửa hàng chính thức của mình trên sàn thương mại Tmall.com, hãng này phải thiết lập trả lời tin nhắn tự động trước những thắc mắc về vụ ở Đường Sơn: "Chúng tôi kiên quyết phản đối bạo lực".
Nhà bình luận ngành bán lẻ độc lập Ma Gang nói với National Business Daily rằng khi dư luận bị kích động, như trong trường hợp này, rất khó để một thương hiệu có thể tự bảo vệ mình dù không liên quan gì đến vụ tấn công.
“Trong những trường hợp như thế này, rất khó để một thương hiệu có thể tạo ra tiếng nói của mình. Tuy nhiên, thật không công bằng khi công chúng đổ lỗi cho nhà sản xuất hàng tiêu dùng khi tội phạm sử dụng sản phẩm của họ", Ma Gang nói.
Trên Weibo, nhiều dân mạng cũng lên tiếng chỉ trích vì các nhân chứng không hề có phản ứng để ngăn chặn vụ hành hung. "Tại sao khi nhìn thấy cảnh bạo lực như vậy mà họ không can thiệp? Họ có còn tình người không?", dân mạng bình luận.
Một nhân chứng giấu tên nói với Dahe News rằng cô ấy không thể cầm được nước mắt sau khi chứng kiến một phụ nữ bị tấn công và chảy máu.
"Bạn tôi bảo không được xen vào chuyện của người khác. Tôi đã vừa khóc vừa gọi cảnh sát. Đáng ra tôi nên kêu gọi những người có mặt tại nhà hàng ngăn vụ bạo lực ngay lúc đó", cô nói, cho biết thêm bản thân thấy có lỗi vì không giúp đỡ nạn nhân.
Hôm 12/6, chính quyền thành phố Đường Sơn đã phát động chiến dịch trấn áp tội phạm bạo lực sau vụ tấn công, People 's Daily đưa tin.