Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) chứng kiến kết quả kinh doanh lao dốc về đáy lịch sử, các chỉ tiêu ghi nhận con số tiêu cực với mức giảm lên đến ba chữ số.
Thậm chí, doanh nghiệp khu công nghiệp này còn ghi nhận doanh thu thuần âm hơn 2.000 tỷ đồng do bị giảm trừ doanh thu. Đây là lần tiếp theo công ty bị âm doanh thu kể từ quý IV/2019 (sau 3 năm).
Điều này dẫn đến lãi gộp cũng chuyển sang số âm 423 tỷ đồng. Khấu trừ thêm chi phí, công ty bị lỗ sau thuế kỷ lục 330 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi hơn 89 tỷ đồng.
Lãnh đạo doanh nghiệp giải trình phải thanh lý Hợp đồng thuê đất dài hạn xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương theo điều kiện bất khả kháng (dự án Kiên Lương 1 đã bị loại bỏ khỏi danh sách vận hành trước năm 2030), dẫn đến doanh nghiệp phải giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỷ đồng.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA TÂN TẠO | ||||||||||||
Nhãn | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
Lãi sau thuế | Tỷ đồng | 33 | 90 | 145 | 136 | 39 | 8 | 83 | 206 | 179 | 274 | -176 |
Tính chung cả năm, Tân Tạo vẫn còn ghi nhận âm hơn 1.576 tỷ đồng doanh thu thuần và qua đó bị lỗ sau thuế hơn 176 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp bị lỗ kể từ sau khi công khai số liệu từ năm 2003 đến nay.
Theo kế hoạch ban đầu, cổ đông Tân Tạo thông qua mục tiêu doanh thu 778 tỷ và có lãi gần 187 tỷ đồng. Kết quả trên đồng nghĩa doanh nghiệp đã bị bỏ lại rất xa so với kế hoạch.
Doanh nghiệp do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ tịch HĐQT hiện có quy mô tổng tài sản vào khoảng 12.645 tỷ đồng. Phần lớn nằm ở khoản mục hàng tồn kho, phải thu ngắn hạn, chi phí sản xuất dở dang và đầu tư tài chính dài hạn.
Trong đó chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn tăng mạnh từ 1.420 đầu năm lên 3.098 tỷ đồng, chủ yếu do rút vốn tại dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Ngược lại khoản góp vốn vào đơn vị khác giảm tương ứng về còn 1.416 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tiếp tục chính sách vay nợ thấp với tổng nợ phải trả khoảng 1.784 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu dày dặn với hơn 10.861 tỷ đồng.
Trong năm qua, doanh nghiệp đã chi trả tiền lương và thù lao cho lãnh đạo cấp cao tổng cộng hơn 3,9 tỷ đồng. Người nhận lương cao nhất là Phó tổng giám đốc Phan Thị Hiệp với hơn 1,26 tỷ đồng. Tổng giám đốc Đặng Quang Hạnh nhận lương 407 triệu đồng và chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến không nhận lương/thù lao.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...