Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) vừa công bố kết quả kinh doanh lao dốc trong quý III. Trong đó, chỉ tiêu doanh thu thuần giảm 75% so với cùng kỳ chỉ còn 86 tỷ đồng, nguyên nhân do mảng cốt lõi là cho thuê đất đã phát triển hạ tầng sụt mạnh.
Hệ quả là lợi nhuận gộp bị kéo lùi 63% so với cùng kỳ còn 48 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt tăng 25% và 46% cũng tác động xấu đến kết quả chung.
Điểm sáng là doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính giảm, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ. Do đó, công ty báo lãi sau thuế giảm 76% so với cùng kỳ còn gần 24 tỷ đồng.
KẾT QUẢ KINH DOANH THEO QUÝ CỦA TÂN TẠO | ||||||||
Nhãn | Quý I/2021 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2022 | Quý II | Quý III | |
Doanh thu thuần | Tỷ đồng | 177 | 144 | 343 | 271 | 64 | 310 | 86 |
Lãi sau thuế | 58 | 39 | 100 | 119 | 16 | 118 | 24 |
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, Tân Tạo báo cáo doanh thu thuần sụt 31% về mức 457 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm 17% so với cùng kỳ còn đạt 153 tỷ đồng, kết quả này tương đương với 82% kế hoạch cả năm.
Thêm nữa, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng xấu hơn khi ghi nhận giá trị âm 89 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ dương hơn 84 tỷ). Dòng tiền từ đầu tư và tài chính cũng yếu đi khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 208 tỷ đồng, qua đó thu hẹp đáng kể quy mô tiền mặt của doanh nghiệp.
Tổng tài sản của Tân Tạo không có nhiều thay đổi so với đầu năm với mức 13.270 tỷ đồng. Thay đổi quan trọng là công ty ghi nhận một khoản ủy thác đầu tư hơn 314 tỷ đồng vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ, thay vì ghi nhận dưới dạng khoản phải thu đối với Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến như các báo cáo trước đó.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả giảm 7% so với đầu năm về hơn 2.000 tỷ đồng, chủ yếu do giảm mạnh các khoản nợ vay tài chính về còn 29 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay 18 tỷ đồng từ Agribank.
Công ty vẫn ghi nhận các giao dịch lớn với bên liên quan khi số dư các khoản phải thu khách hàng và phải thu khác với bên liên quan là gần 2.800 tỷ đồng. Một giao dịch đáng chú ý là việc bà Đặng Thị Hoàng Yến tạm ứng lại cho công ty số tiền gần 31 tỷ đồng.
Về thu nhập của lãnh đạo cấp cao, người nhận lương cao nhất là Phó tổng giám đốc Phan Thị Hiệp với hơn 1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Trong khi đó Tổng giám đốc Đặng Quang Hạnh nhận lương 225 triệu đồng và chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến không nhận lương/thù lao.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế