Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công trường Vành đai 2 nhiều năm không rào chắn, không biển cảnh báo

Công trình thi công tuyến Vành đai 2 dù rất gần khu dân cư nhưng không hề có rào chắn, biển cảnh báo. Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến cái chết của 2 em nhỏ do bị điện giật.

Sáng 21/7, không khí nặng nề bao trùm cả xóm nhỏ sống ven công trình đường Vành đai 2, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, vì tang lễ của 2 bé trai bị tử vong do điện giật khi chơi trên công trường này. Nhiều người dân hoang mang và bày tỏ sự bức xúc vì công trường khởi công từ cuối năm 2017, ngay cạnh khu dân cư, nhưng không hề có biển cảnh báo hay rào chắn để ngăn cách.

Công trình thi công nhiều năm không rào chắn, biển báo

Anh Huỳnh Thanh Tân (ngụ Thủ Đức) chia sẻ anh cảm thấy may mắn vì con trai đã về Vũng Tàu chơi và không ở nhà khi vụ việc xảy ra. “Con tôi mà ở nhà thì không biết sẽ có chuyện gì”, anh Tân nói.

Người này cho biết công trường thi công có nhiều máy móc lớn, nguy hiểm, liên tục khoan đục, các phụ huynh ở đây đều yêu cầu con không lại gần. Các hộ dân tại đây cũng từng phản ánh đến cơ quan chức năng địa phương nhưng không có gì thay đổi.

be trai tu vong do dien giat anh 1
Huỳnh Thanh Tân (ngụ Thủ Đức) chỉ về nơi xảy ra vụ điện giật thương tâm làm 2 bé trai tử vong tại chỗ hôm 20/7. Ảnh: Thu Hằng.

Chị Đặng Thị Thắm (ngụ Thủ Đức), mẹ của nạn nhân bị điện giật, rất bức xúc vì sự vô trách nhiệm của đơn vị thi công và chủ đầu tư. Chị cho biết công trình đã thi công từ hơn một năm nay nhưng không hề có biển cảnh báo hay rào chắn nên trẻ con ở đây thường ra bãi đất trống ở công trình chơi.

Chị nhiều lần can ngăn các con nhưng cứ mỗi lần chị đi vắng, chúng lại trốn mẹ đi chơi.

"Làm ăn như thế nào để điện giật chết con nhà người ta. Tôi muốn họ phải bị phạt thật nặng", chị Thắm uất ức tâm sự tại tang lễ của con trai.

be trai tu vong do dien giat anh 2
Bức tường bê tông cao chưa đầy 1 m là ngăn cách công trình thi công Vành đai 2 và khu dân cư. Ảnh: Thu Hằng.

Nói về công trình thi công dang dở tại khu vực trên, ông Bùi Thanh Tùng, Trưởng ban Quản lý dự án, Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái, cho biết công trình khởi công từ cuối năm 2017. Hiện, do vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng nên việc thi công tạm dừng một số hạng mục.

Khi được hỏi về lý do không có rào chắn hay biển cảnh báo tại công trình thi công gần khu dân sinh, ông Tùng chỉ về dãy tấm xi măng cao chừng 1 m được dựng lên gần đó và cho biết: “Đối với phạm vi trong ranh giới chỗ đó là công trình, còn bên ngoài thì không”.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm

Kỹ sư Đinh Hữu Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn Xây dựng (Đại học Xây dựng Miền Trung), nhận định đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này là chủ đầu tư. Theo Luật Xây dựng hiện hành, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đối với dự án từ khi khởi công cho đến khi công trình đưa vào sử dụng.

be trai tu vong do dien giat anh 3
Cơ quan chức năng và đại diện chủ đầu tư có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để khám nghiệm hiện trường sáng 21/7. Ảnh: Thu Hằng.

Cũng theo ông Dung, trong quy trình quy phạm và nghị định về quản lý chất lượng xây dựng, an toàn lao động thì công trình thi công buộc phải có biển báo gồm các thông tin cơ bản về dự án. Trong đó, biển báo đặc biệt chú trọng việc thông tin giúp người dân nhận biết đây là công trường xây dựng, tránh để người không có trách nhiệm vào trong.

“Việc không có biển cảnh báo, rào chắn để người dân nhận biết công trình xây dựng là sai phạm căn bản và nghiêm trọng của đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư”, kỹ sư Dung nói.

Nhận xét về trách nhiệm liên đới của đơn vị cung cấp điện, ông Dung cho rằng công ty điện lực phải có biện pháp kết hợp kiểm tra, giám sát nguồn điện mình cung cấp nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng cho công trình cũng như cộng đồng dân cư.

Các cơ quan địa phương bao gồm đơn vị giám sát thi công, thanh tra xây dựng trên địa bàn, lãnh đạo địa phương… có trách nhiệm khi để công trình nằm trong khu dân sinh mà không có biển cảnh báo và rào chắn trong thời gian dài.

Đường Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài hơn 64 km. Sau hơn 10 năm, Vành đai 2 đã khép kín được 51 km. Hiện còn hơn 13 km với bốn đoạn chưa hoàn thành.

Theo báo cáo giữa tháng 3/2019 của Sở GTVT TP.HCM, tuyến Vành đai 2, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,75 km dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Công an quận Thủ Đức cho biết chủ đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 qua khu vực là Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái. Nhà thầu thi công là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái, nhà thầu phụ thi công vị trí xảy ra tai nạn là Doanh nghiệp tư nhân thương mại dịch vụ Tân Vũ.

be trai tu vong do dien giat anh 4

Hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân 50 triệu đồng

Theo UBND phường Tam Phú, quận Thủ Đức, đại diện chính quyền địa phương và đơn vị thi công công trình bước đầu đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 50 triệu đồng để lo hậu sự cho các bé.

Đại diện Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái cho biết trước mắt, công tác ưu tiên của công ty là tập trung hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho hai cháu bé. Đối với công tác điều tra, công ty sẽ chờ kết quả từ cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý tiếp theo.


Vụ bé trai tử vong do điện giật: Đôi giày mới và nước mắt người mẹ

"Đôi giày này sẽ đưa con đến một chân trời mới an lành hơn, để con có thể vui sống muôn đời", người phụ nữ thì thầm trong nụ cười đau đớn.





Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm