Các bức tường thành nhà Hồ được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6 m, nặng 20 tấn. Tổng cộng, khoảng 20.000 m3 đá đã được sử dụng để xây thành.
|
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397. Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Nơi đây từng được xem là kinh đô, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
|
|
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó, công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành. Theo chính sử, thành được xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong 3 tháng, thể hiện trình độ rất cao về kỹ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Tổng cộng, khoảng 20.000 m3 đá và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.
|
|
Hàng chục năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước khi về thành nhà Hồ đã nghiên cứu và tìm lời giải đáp cho câu hỏi đá xây thành nhà Hồ được lấy từ đâu. Có nhiều giả thuyết được đặt ra nhưng trong các đợt khảo sát gần đây, cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới thành nhà Hồ đã phát hiện một số công trường khai thác đá cổ. Công trường đầu tiên được phát lộ tại dãy núi An Tôn (ảnh) thuộc xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, cách thành nhà Hồ khoảng 3 km về phía tây. |
|
Tại đây, các chuyên gia phát hiện 21 phiến đá có kích thước, trọng lượng lớn hơn 10 tấn nằm rải rác dưới chân và lưng chừng núi. |
|
Trong số phiến đá này có một số phiến hình dạng, kích thước rất vuông vắn và có hình dạng, kỹ thuật tương đồng với các phiến đá tại Thành nhà Hồ. Cũng tại ngọn núi này, các chuyên gia Viện Khảo cổ đã phát lộ nền của các lán trại, nơi những người thợ sinh sống trong thời gian khai thác, chế tác đá để xây thành nhà Hồ. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện trên dãy núi An Tôn có nhiều hiện vật quý như dụng cụ khai thác đá đã hoen rỉ, các mảnh bát đĩa và mảnh vật dụng sinh hoạt khác bằng sành sứ thời Trần - Hồ.
|
|
Một công trình khai thác đá cổ khác được phát hiện là tại núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc), cách trung tâm thành khoảng 5 km về phía nam. Đây là núi đá vôi được kiến tạo vào kỷ Trias, cách ngày nay khoảng 250 triệu năm. Núi có độ cao trung bình trên 100 m, chia thành những vỉa theo kiểu đoạn tầng, rất tiện lợi cho việc bóc tách. |
|
Tại khu vực núi này, cán bộ Trung tâm Thành nhà Hồ phát hiện và thống kê có 16 phiến đá được bóc tách, chế tác tương đối công phu. Nhiều phiến đá có kích thước tương đối lớn, ước tính hàng chục tấn. Các dấu vết kỹ thuật chế tác đá rất rõ nét. Các phiến đá được chế tác từ 4 đến 5 cạnh, bề mặt tương đối nhẵn. Khi đem so sánh, kỹ thuật chế tác đá ở đây giống như những phiến đá được dùng để xây dựng Thành Nhà Hồ.
|
|
Đàn tế Nam Giao (nơi hàng năm, triều Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ) cũng được làm hầu hết bằng vật liệu đá xây thành nhà Hồ. |
|
Theo nghiên cứu, hai con rồng đá mất đầu ở trung tâm Hoàng thành cũng được tạc từ đá xanh nguyên khối cùng thời điểm xây thành nhà Hồ. |
|
Những người triều Hồ còn chế tác đá thành đạn để phục vụ cho việc chống giặc phương Bắc xâm lược. |
|
Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành nhà Hồ vẫn đứng vững. Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, đánh giá việc phát hiện các công trường khai thác đá cổ xây dựng Thành là rất quan trọng, có ý nghĩa lớn về mặt thực tiễn và khoa học. "Điều đó chứng tỏ để xây dựng thành, nhà Hồ đã huy động một khối lượng khổng lồ về sức lực, vật lực trong cả nước để khai thác, vận chuyển những phiến đá lớn từ nhiều nơi khác nhau về xây dựng công trình kiến trúc bằng đá độc đáo này", ông Trọng nói.
|
|
Vị trí thành nhà Hồ. Ảnh: Google Maps. |
công trường đá cổ xây thành nhà Hồ
thành nhà Hồ
đá cổ xây thành nhà Hồ
tường thành nhà Hồ
dãy núi An Tôn
đá cổ Xuân Thiên