5h30 sáng, tôi dừng chân ở ngã ba đường lên chùa Linh Quy Pháp Ấn. Một cậu thanh niên đi vượt lên trước, theo cùng cậu là hơn chục bạn bè. Họ mặc áo quần màu đen, đeo khăn rằn, đeo dải băng phản quang cảnh báo.
Tay họ cầm một túi bánh mì lớn và nhiều túi nước. Vừa đi vừa hò hét, gọi nhau. Đó là trước Cổng Trời - Quán Chiếu Đường của một ngôi chùa đã xuất hiện trong MV Lạc Trôi của ca sĩ Sơn Tùng MTP.
Ảnh chụp ngày 30/1 (mùng 3 Tết) cho thấy nhiều bạn trẻ còn đi giày, dép vào bãi sỏi. Ảnh: Facebook Trần Phương.
|
Quán Chiếu Đường là nơi ngồi thiền của nhà sư trong chùa. Ngày mùng 2 Tết, hàng trăm người trẻ ăn mặc kool ngầu, nai nịt gọn gàng, xinh đẹp, khăn rằn đeo kín cổ. Họ cầm gậy selfie, hét lên cười, nhảy cẫng lên để lấy được tấm ảnh cả nhóm cùng đẹp trước cái cổng đạo torii kiểu Nhật.
Hàng chục người leo lên leo xuống trước mặt nơi để bát nhang và gương mặt Phật, một ban thờ của nhà chùa - có thể chẳng có ý nghĩa với họ, nhưng là nơi trang nghiêm mà những nhà sư phải nhìn lên trong giờ tu tập. Sau một hồi, nhiều người đã trèo hẳn lên ngồi... ngay dưới mặt tượng Phật.
Một nhà sư cố gắng nói các cặp đôi, nhóm bạn ngồi lui khỏi vị trí ban thờ Đức Phật. Chỉ vô hiệu. Vài phút sau họ bu đầy chỗ cũ.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 18km. Ngôi chùa đột ngột trở nên nổi tiếng sau nhiều bài viết và các bộ ảnh đẹp chụp nơi này như "Cổng trời" - chốn để săn mây và như tiên cảnh. Đây cũng là nơi quay nhiều cảnh trong MV Lạc Trôi của ca sĩ Sơn Tùng MTP
Tôi đứng đó suốt một giờ đồng hồ, cố hiểu xem những người trẻ ăn mặc rất thời thượng, giày hiệu, quần áo hiệu, nón bảo hiểm hiệu (xách theo lên tận chùa) bảo hộ che chắn đầy người... liệu có hiểu cách ứng xử trước một nơi không phải nhà họ và thuộc về một tôn giáo không?
Trên con đường vài trăm mét từ lưng núi lên chùa, một bạn bị đứt giày. Bạn cởi đôi giày ra vứt ngay giữa đường. Nhà sư đi tụng kinh về, nhặt lên bỏ vào sọt rác. Một bạn nữ đeo theo khẩu trang từ ngoài đường lớn đi vào. Tiện tay, bạn vứt khẩu trang giữa đường. Chú tiểu đi nhặt rác phải cúi mình dọn sạch.
Đôi giày đứt bị vứt giữa đường lên chùa. Ảnh: Khải Đơn. |
Tại thư viện của chùa, khách nằm ngồi la liệt ngoài cửa. Có những chai nước khoáng được ném ra tự nhiên, vô tâm như thể không nhìn thấy bất cứ cái thùng rác nào đã ghi chú rất rõ ràng xung quanh đó. Nhiều nhóm chụp ảnh "say cheese" ngay kế thư viện (không biết nhờ vậy ảnh selfie có đẹp hơn không).
Con đường xuống chùa chỉ vừa một xe máy đi và các xe phải xếp hàng với khoảng cách rất hẹp để xuống dưới núi. Nhiều người lái exciter độ lại, đeo bảo hộ chân tay, mặc áo rằn ri, xong đứng giữa đám xe lưng đồi... bấm còi inh ỏi. Không rõ làm vậy có thể xuống được núi sớm hay không.
Tác giả (trái) trò chuyện với sư thầy Pháp An. |
Tôi ngồi trò chuyện với thầy Pháp An, cha của thầy trụ trì trong buổi sáng ở chùa. Ông nhẹ nhàng, mỉm cười kể: "Chùa có 12 năm rồi, nhưng khách thập phương mới tới chừng...8 tháng thôi."
- Đón khách quá đông như vậy, nhà chùa có phiền không?
- Là người tu hành, chúng tôi coi yêu thương mọi người là điều phải làm. Đón mọi người tụi tôi rất hoan hỉ, cảnh đẹp chùa nào giờ tụi tôi cũng sẵn lòng đón mọi người. Bao lâu nay nhiếp ảnh gia, người chụp ảnh cưới tới xin, nhà chùa đều thoải mái chứ không cấm cản gì.
- Có điều gì thầy thấy không ổn khi khách bắt đầu ùa tới đông?
- Nhà chùa biết đông khách, nên đã chuẩn bị sẵn những thùng phuy đựng rác bằng nhựa xanh, to lớn lắm, ghi rõ ràng "xin cho tôi rác", mà sao mọi người vẫn xả rác. Các chú tiểu, chư tăng trong chùa phải liên tục đi nhặt rác không hết. Tôi giờ nào ngồi thiền xong đi lại, thấy rác cũng nhặt. Chỉ mong khách tới chùa xin bỏ rác vào thùng, chứ cả chùa làm không xuể.
-Rác khách thập phương mang tới, nhà chùa bỏ đâu?
- Hàng ngày, nhà chùa gửi chút chi phí cho một chú, để chú ấy chở rác xuống chân núi, sau đó trả phí để xe rác dọn đi. Công việc chú ấy làm vất vả.
- Thầy mong gì ở khách đến thăm chùa?
- Mong mọi người đừng xả rác và giữ yên lặng ở nơi nào tôn nghiêm. Có khi nhiều khách quá, ồn ào quá, giờ chư tăng phải ngồi thiền, tụng kinh cũng bị ảnh hưởng. Còn nhà chùa luôn mở rộng cửa mời các vị khách đến thăm. Cảnh thiên nhiên đẹp, cảnh chùa vậy để mọi người ai cũng được thưởng thức.
Khi câu chuyện của tôi và ông kết thúc và chúng tôi cùng nhìn ra vườn. Một bức tượng Phật ngồi trong vườn tĩnh lặng, nhiều người đến chơi đã trèo lên ngồi kế bức tượng chụp ảnh... như hai ông bạn dòm nhau.
Hàng trăm gương mặt trẻ trung này, đến ngọn núi này từ những hình ảnh trên mạng Internet, từ một MV âm nhạc xinh đẹp. Họ mang cả thế giới sạch sẽ, giàu có, sinh động, có học thức đến ngọn núi tĩnh lặng.
Bằng một sự kiêu căng hồn nhiên hay vô tâm bất cần, họ vứt lại giày rách, khẩu trang bẩn, vừa đi vừa hát như cắm trại, tay đeo găng, đầu đội nón bảo hiểm, áo quần son phấn kool ngầu trẻ đẹp. Và đó là một chuyến thăm chùa - nơi có nhiều tu sĩ tập luyện ngồi thiền và đọc kinh nhiều giờ mỗi ngày.
Họ bước vào nơi không phải nhà mình, nhổ nước bọt xuống và trở về nhà với những tấm ảnh đẹp rực rỡ... như người văn minh ích kỷ và trịch thượng.
Khải Đơn là cây viết quen thuộc trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Cô cũng là tác giả cuốn sách: “Đừng tháo xuống nụ cười”, một hiện tượng thu hút sự quan tâm tranh luận sôi nổi trên cộng đồng mạng.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, tòa soạn giữ quyền biên tập.