Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công trình sai phép rộng 400 m2 tại chùa Hương

Chiều 21/12, Sở VHTT Hà Nội cùng các sở, ngành chức năng cùng đại diện của Cục Di sản Văn hóa, Hội Khoa học Lịch sử VN đã kiểm tra "công trình lạ" trong khuôn viên chùa Hương.

Luẩn quẩn tìm người cấp phép

Sau khi khảo sát thực địa, một cuộc họp đã diễn ra tại trụ sở Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý tiếp tục cho rằng, công trình rộng tới 400 m2 mặt sàn, thiết kế hai tầng mái xây trên diện tích đất từng thuộc quyền quản lý của các công ty du lịch thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) và đương nhiên, không phải là di tích gốc.

Năm 2000, công trình này được bàn giao cho nhà chùa quản lý. Năm 2011, nhà chùa có văn bản xin xây dựng, vì hai dãy nhà cũ đã xuống cấp, Ban QLDT đã hướng dẫn nhà chùa các thủ tục xây dựng với phương châm "vừa xây vừa xin phép".

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội cắt lời Trưởng BQL thắng cảnh Hương Sơn và hỏi: “Ông có biết ai cấp phép cho nhà chùa không?” Ông Nguyễn Chí Thanh trả lời, hiện tại chưa có ai cấp phép vì lý do "chùa xin cứ tiếp tục làm" và "nhà chùa lo thủ tục".

Công trình sai phép ở chùa Hương.
Công trình sai phép ở chùa Hương.

Có mặt tại cuộc họp, Thượng toạ Thích Minh Hiền - Trụ trì Chùa Hương khẳng định, công trình này đã được sự đồng ý của UBND huyện Mỹ Đức.

Năm 2011, nhà chùa đã có văn bản báo cáo UBND huyện Mỹ Đức và sau đó đã nhận được văn bản UBND đồng ý cho xây dựng dưới hình thức bút phê. Song ai là người phê đồng ý vào đó thì người trụ trì Chùa Hương cho biết là “không nhớ”.

Thượng toạ Thích Minh Hiền đính chính, đây chỉ là "công trình phụ trợ" không thuộc khuôn viên di tích. Cùng có ý kiến trong cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức lại cho rằng: “Thời gian từ năm 2011 đến nay lâu quá rồi, UBND huyện có cấp phép hay không thì đến nay không nhớ và cũng không còn lưu văn bản”.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định, Ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn có biết việc này, song do nhu cầu xây dựng cấp thiết nên đành phải “vừa hành quân vừa xếp hàng”.

Thêm một lần nữa, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho rằng: “Việc xây dựng này hoàn toàn không đụng chạm gì đến di tích gốc vì đất này trước đây cũng là nhà nghỉ”.

Không có tên trong danh sách di tích quốc gia đặc biệt

Phủ nhận quan điểm "công trình phụ trợ" và "không thuộc khuôn viên di tích", PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam thẳng thắn: Quan điểm như thế là không đúng, bất cứ công trình nào xây dựng tại đây đều phải xin phép, kể cả việc làm đường đi.

Trước đây, Chùa Hương từng xây dựng nhiều hạng mục và đều được Bộ VHTT&DL thoả thuận, như thế có nghĩa không phải không được xây dựng, mà phải xây như thế nào, hình thức kiến trúc ra sao để không "vênh" với các công trình hiện có.

Với tư cách là người tham gia việc xếp hạng hồ sơ di tích quốc gia Chùa Hương từ năm 1962, PGS.TS Trần Lâm Biền cho biết, việc xếp hạng Chùa Hương ngay từ lần đầu duyệt hồ sơ thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc bảo tồn một cách tốt nhất di tích này.

Cũng chính vì thế, không có lý do gì để tồn tại một công trình "đối chọi" với cảnh quan, không đúng với tinh thần đạo pháp và không tôn trọng pháp luật. 

Đoàn kiểm tra chùa Hương chiều 21/12.
Đoàn kiểm tra chùa Hương chiều 21/12.

Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng - Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, trong cuộc họp diễn ra vào cuối tuần vừa qua, Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia đã gạt hồ sơ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương ra khỏi danh sách xếp hạng của năm nay cũng bởi các lý do, thứ nhất quản lý yếu kém, thứ hai để tồn tại công trình trái phép kể trên, bên cạnh đó thực hiện phân cấp quản lý không tốt.  PGS.TS Phạm Mai Hùng lưu ý, ngay cái tên gọi “Hương Nghiêm pháp đường” cũng chưa rõ công năng. "Mọi người đều phải tuân thủ theo pháp luật, không thể tự tung tự tác được", PGS. TS Phạm Mai Hùng thẳng thắn chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Khang - Phó Trưởng phòng quản lý di tích viện dẫn các điều luật: Điều 36 Luật Di sản Văn hóa; Điều 15 Nghị định 98 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa đều quy định rõ, khi xây dựng các công trình nằm ngoài các công trình bảo vệ di tích nhưng có ảnh hưởng đến di tích vẫn phải xin thỏa thuận của Bộ VHTT&DL.

Ở đây, công trình này đặt trong cảnh quan chung là ảnh hưởng đến di tích một cách rõ ràng. Ai cho phép xây dựng công trình này thì đều phạm luật cả. Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết thêm, sau khi tham gia kiểm tra thì ông nhận thấy còn một vài sai phạm khác ở Chùa Hương, đề nghị Sở VHTT Hà Nội vào cuộc, kiểm tra tổng thể các công trình xây dựng tại di tích này, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, từ đó đưa ra hướng giải quyết.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức cùng "nhà chùa", tiếp tục hợp tác, cung cấp hồ sơ xây dựng, trên cơ sở đó, Sở VHTT tiếp tục lấy ý kiến các sở ngành liên quan, nhằm đưa ra các biện pháp xử lý hiệu quả và dứt điểm.

Trao đổi bên lề cuộc họp, PGS.TS Trần Lâm Biền bức xúc, cần phải xử phạt công trình này tương tự như công trình nhà 8B Lê Trực vừa qua, chỉ có như thế pháp luật mới được thực thi. PGS.TS Phạm Mai Hùng thì nhắc lại chuyện 10 năm trước Cùa Hương đã từng mạnh tay tháo dỡ hàng loạt chùa giả, động giả nhằm trả lại không gian thanh bình đích thực cho chùa Hương - Nam Thiên đệ nhất động.


http://anninhthudo.vn/thoi-su/cong-trinh-la-o-chua-huong-sai-pham-da-ro-huong-xu-ly-van-phai-cho/651943.antd

Theo Văn Quế/An Ninh Thủ Đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm